Quý II bội thu, Dệt Thành Công lãi cao nhất trong 2 năm

Cùng với sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu, Công Ty Cổ Phần Dệt May - Đầu Tư - Thương Mại Thành Công (TCM) đã có một quý “bội thu” khi ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

Công Ty Cổ Phần Dệt May - Đầu Tư - Thương Mại Thành Công (TCM) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024. Theo đó, doanh thu thuần của TCM trong quý II/2024 đạt 846,7 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II/2024 cũng tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 95,3 tỷ đồng của quý II/2023 lên 152,7 tỷ đồng vào quý II/2024.

Cùng với đó, chi phí tài chính giảm xuống còn 9 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính tăng lên 25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này đã bù đắp cho chi phí bán hàng và quản lý, góp phần giúp lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của TCM trong quý II/2024 đạt hơn 72,3 tỷ đồng, tăng gấp 31,5 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong gần 2 năm qua của công ty này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TCM ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 1.780,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 134,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,9% và 135% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, TCM cũng thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đã đề ra trước đó.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của TCM.  
Báo cáo tài chính quý II/2024 của TCM.  

Trong bức tranh doanh thu, nguồn thu của TCM vẫn chủ yếu đến từ mảng may mặc và dệt may (hơn 1.746 tỷ đồng). Mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của TCM dù ghi nhận tăng trưởng về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ ở mức 33,3 tỷ đồng, chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu thuần của TCM trong 6 tháng đầu năm 2024. Doanh thu của mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến từ CTCP Trung tâm Y khoa Thành Công, công ty con mà TCM hiện đang nắm giữ 70,94% cổ phần.

Ngoài ra, tính đến 30/6/2024, hàng tồn kho của TCM là 1.067,2 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là thành phẩm (530,5 tỷ đồng) và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (243,5 tỷ đồng).

Trong tháng 4/2024, TCM quyết định mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina, công ty thuộc 100% vốn sở hữu của E-land Asia – cổ đông lớn nhất hiện nay của TCM với 53% vốn chủ sở hữu. Giá trị nhận chuyển nhượng là 468 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Quyết định này nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty. Theo dự kiến, doanh thu thuần từ Công ty TNHH Dệt may SY Vina sẽ chiếm 6% trong tổng doanh thu thuần của TCM vào năm 2024. Tính đến ngày 30/6/2024, Công ty TNHH Dệt may SY Vina mang về 2,3 tỷ đồng doanh thu cho TCM.

TCM quyết định mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina hồi tháng 4/2024.  
TCM quyết định mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina hồi tháng 4/2024.  

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu TCM tăng 37,36% tính từ đầu năm đến nay. Trong phiên ngày 8/7, cổ phiếu TCM ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất là 53.800 đồng/cp.

Về triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm 2024, ban lãnh đạo TCM tự tin có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm nay. Đến nay, TCM đã nhận được 90% và 86% đơn đặt hàng theo kế hoạch lần lượt trong quý III và quý IV/2024.

Trong khi đó, các chuyên gia của SSI nhận định, TCM đã có màn thể hiện vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành và là doanh nghiệp có hoạt động tích cực khác biệt trong 6 tháng đầu năm 2024.Bên cạnh đó, TCM còn được hưởng lợi khi thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc và Nhật Bản – hai thị trường ít biến động. Hiện, thị trường Hàn Quốc chiếm 28,4% doanh thu và Nhật Bản chiếm 21,4% doanh thu của TCM.

Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, các chuyên gia SSI cũng lưu ý rằng TCM có thể ghi nhận thu nhập tài chính bất thường từ việc bán nhà máy Trảng Bàng ở tỉnh Tây Ninh do năng suất thấp và bán 7ha đất ở tỉnh Vĩnh Long theo kế hoạch trước đó cho một nhà máy mới thay vì SYVina.

Minh Nhật

Theo VietnamFinance