Quyết tâm lên quận ngay trong năm 2024, huyện ven Hà Nội đã ‘gặt hái’ hàng loạt thành tựu quan trọng
Huyện này nằm ở phía Đông, TP Hà Nội, có diện tích khoảng 116,64km2.
Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, 20/20 xã của huyện Gia Lâm đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Tiếp nối thành công, huyện Gia Lâm đang tăng tốc hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện thành quận trong năm 2024.
Dẫn tin từ báo Hà Nội Mới, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, Đảng bộ huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư huyện trở thành quận.
Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện tập trung dồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong phát triển kinh tế, các mô hình trồng rau an toàn, VietGAP, rau thủy canh, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm được chú trọng triển khai. Các làng nghề truyền thống tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập từ 5 đến 12 triệu đồng/ người/tháng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 75,8 triệu đồng/năm (tăng 57,76 triệu đồng/năm so với năm 2010), riêng xã Ninh Hiệp đạt 95,03 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là: Dương Xá, Ninh Hiệp, Bát Tràng, Cổ Bi, Phù Đổng và huyện chỉ còn 147 hộ cận nghèo (chiếm 0,18%), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 0,1%.
Thông qua thực hiện các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"..., thời gian qua, nhân dân huyện Gia Lâm đã đóng góp 18.838 ngày công lao động, hiến hơn 75.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, tổng số tiền đóng góp hơn 495 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm phát động phong trào giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và được cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, chung sức đóng góp tổng trị giá 17,3 tỷ đồng; trong đó có hơn 8,5 tỷ đồng tiền mặt, 1 tỷ đồng từ hiến đất, 861,7 triệu đồng từ ngày công lao động, 6,921 tỷ đồng bằng hiện vật các loại. 100% tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng tại 20 xã đã được thảm nhựa, đổ bê tông hoặc cứng hóa, bảo đảm nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; 100% số hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố…
Trong tương lai, quận Gia Lâm sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64km2, quy mô dân số hơn 300.000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.
16 phường thuộc quận Gia Lâm gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức.