Rạng Đông Holding lỗ sâu và nặng nợ, cổ phiếu RDP 'hết hàng' sau khi bốc hơi gần 80%
Mặc dù tình hình tài chính của Rạng Đông Holding đang gặp vấn đề, cổ phiếu RDP vẫn hút được dòng tiền trong phiên giao dịch 13/8.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/8, thị trường chứng khoán bất ngờ đảo chiều vào phút chót nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Chỉ số VN-Index tăng 0,14 điểm, thanh khoản giao dịch “vỏn vẹn” hơn 13.000 tỷ đồng. Ngược chiều, nhóm VN30 cũng giảm 2,72 điểm, với hơn 198 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Có phần tích cực hơn thị trường chung, nhóm penny bất ngờ nổi sóng với đà tăng kịch trần của nhiều cổ phiếu. Trong số đó, cổ phiếu RDP của Công ty CP Rạng Đông Holding nổi bật nhất khi đóng cửa trong trạng thái “trần cứng” với thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên. Với nhịp tăng trần lên mức 2.450 đồng/cp, vốn hóa của Rạng Đông Holding đã trở lại mốc 120 tỷ đồng.
Đáng nói, đà tăng giá khá ấn tượng của cổ phiếu RDP diễn ra sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm, trượt dài về đáy lịch sử. Tính từ 11/7-30/7, cổ phiếu này chứng kiến chuỗi giảm sâu, với nhiều phiên giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, qua đó đẩy thị giá về vùng đáy lịch sử chỉ 2.200 đồng/cp, tương đương "bốc hơi" 76% kể từ đầu năm.
Chủ tịch bán gần 39% cổ phần công ty trong vòng 1 năm
Việc cổ phiếu lao dốc một cách nhanh chóng khiến ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holdings liên tiếp bị bán giải chấp cổ phiếu RDP.
Trong thông báo mới nhất, ông Hồ Đức Lam bị công ty chứng khoán bán giải chấp 1,17 triệu cổ phiếu RDP, tương ứng 2,39% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện trong ngày 1/8. Sau giao dịch, ông Hồ Đức Lam đã buộc phải hạ sở hữu từ 4,1 triệu đơn vị (8,48% vốn) về còn 2,9 triệu đơn vị (6,09% vốn).
Được biết, ông Hồ Đức Lam hiện vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Rạng Đông Holding. Cuối năm 2020, vị doanh nhân này từng sở hữu đến 64,2% vốn của Rạng Đông Holding.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 tới nay, ông Hồ Đức Lam không chỉ bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu mà còn chủ động bán ra cổ phiếu RDP, khiến tỷ lệ sở hữu tại Rạng Đông Holding hạ từ 45% xuống 6,1%. Chỉ trong vòng một năm, Chủ tịch của Rạng Đông Holding đã bán tổng cộng hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 39% vốn.
Việc Chủ tịch Rạng Đông Holding liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này chìm trong thua lỗ. Cụ thể, RDP ghi nhận doanh thu sụt giảm gần 9% còn 2.594 tỷ đồng với khoản lỗ sau thuế lên tới 147 tỷ đồng trong năm 2023.
Đến nửa đầu năm 2024, Rạng Đông tiếp tục lỗ gần 65 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, Rạng Đông Holding đã lỗ lũy kế 266 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, việc thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Planet Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan là nguyên nhân chính đẩy Rạng Đông Holding rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Thua kiện, chi phí dự phòng tăng vọt, doanh nghiệp đành "ngậm ngùi" báo lỗ năm 2023.
Ngập trong nợ vay, nghĩa vụ thanh toán khó đảm bảo
Không chỉ càng làm càng lỗ, Rạng Đông Holdings còn ngập trong nợ vay. Tại thời điểm cuối quý II/2024, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận giá trị hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 6 lần so với 279,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Xét về cơ cấu, nợ ngắn hạn chiếm gần 90%, tương ứng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn (chủ yếu là vay ngân hàng) chiếm tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp không thuyết minh về các “chủ nợ”. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, tại thời điểm 31/12, Rạng Đông Holding còn dư nợ vay ngắn hạn tại: Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikorn Bank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank, HoSE: MBB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG).
Các khoản vay tại 6 ngân hàng trên dao động từ 100 tỷ đồng - 200 tỷ đồng với lãi suất từ 7% - 9% và có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, máy móc, cổ phiếu RDP,...
Nhìn chung, trong bối cảnh không thể có dòng tiền "nuôi sống" doanh nghiệp do liên tục kinh doanh thua lỗ, khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Rạng Đông Holding sẽ khó được đảm bảo và các ngân hàng có thể phải trích lập cho những khoản vay của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, động thái forsell lượng lớn cổ phiếu của Chủ tịch Hồ Đức Lam cũng có thể là nghiệp vụ của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn của khoản vay tại BIDV và Vietcombank, bởi các khoản vay của Rạng Đông Holdings tại 2 ngân này đều có tài sản đảm bảo là cổ phiếu.
Sau quá trình giảm sâu, cổ phiếu RDP hiện đã chững lại quanh mốc 2.200 đồng/cp. Mặc dù đã tăng trần trở lại, tuy nhiên, việc tham gia đầu tư này vẫn còn tương đối rủi ro bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản.