Rớt gối cao su metro số 1: Còn ai chịu trách nhiệm?

Hàng loạt sự cố liên quan tới tuyến metro số 1 được phát hiện, chuyên gia lo lắng đề nghị rà soát tổng thể, khắc phục triệt để và xử lý nghiêm

Rủi ro

Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố vừa công bố kết luận liên quan đến  sự cộ́ rớt gối cao su và xê dịch gối cao su trên gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) thuộc tuyến metro số 1. Gói thầu CP2 do liên danh Sumitomo - Cienco 6 (liên danh SCC) làm tổng thầu.

Sự cố dầm cầu metro số 1 vẫn chưa được giải quyết xong. Dân trí  
Sự cố dầm cầu metro số 1 vẫn chưa được giải quyết xong. Dân trí  
 

Cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội còn yêu cầu phải truy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm.

Phân tích cụ thể hơn về những yếu tố liên quan tới kỹ thuật, vị chuyên gia cho hay, tại kết luận đưa ra có nêu: sự cố là thiếu sót của nhà thầu phụ Sytra trong quá trình thiết kế, sai sót liên danh SCC về thi công, lắp đặt gối cao su; sử dụng vật liệu, chế tạo gối cao su không đúng theo quy định và tiêu chuẩn được duyệt của dự án.

Đặc biệt, liên danh SCC xác định dầm dịch chuyển phụ thuộc vào 2 yếu tố khi nhiệt độ ngày và đêm thay đổi, đó là tác động của ray, và kết cấu gối dầm có khe hở. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện gối dầm bị dịch chuyển là do mối nối nhịp nằm trùng với mối nối ray.

"Về thiết kế điều này là không được phép, bởi khi mối nối nhịp cầu nằm quá gần hoặc trùng với mối nối ray sẽ dẫn tới chuyển động của dầm lớn, khả năng chịu lực của gối bị quá tải và làm gối bị trượt, nguy cơ rủi ro cao", PGS.TS Nguyễn Đình Thám phân tích.

Ngoài ra, nhà thầu SCC còn phát hiện khe hở trên đá kê gối vượt quá giới hạn, có khả năng làm gối bị trượt. Về điểm này vị chuyên gia cũng  cho rằng thiết kế, giám sát thi công có vấn đề.

"Một dự án metro lớn như dự án metro số 1 phải tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế thi công nhưng để khe hở trên đá kê gối vượt quá giới hạn nghĩa là thiết kế thi công đã không bảo đảm, có nguy cơ dẫn tới những rủi ro, gây tai nạn", ông Thám nói.

Làm rõ trách nhiệm

Nhận xét chung về dự án, PGS.TS Nguyễn Đình Thám bày tỏ lo ngại về công tác giám sát, quản lý của dự án. Ông cho rằng, ngay từ khi thực hiện dự án tới bây giờ, xuyên suốt dự án là hàng loạt những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, thi công, chất lượng của công trình gây lo lắng trong dư luận như: Nứt dầm cầu cạn, rớt gối cao su cho tới việc nhà thầu phụ kiện nhà thầu chính.

"Hàng loạt những sự cố liên quan tới dự án cho thấy trình độ chuyên môn, quản lý của nhà thầu quá yếu, kém, để xảy ra những lỗi kỹ thuật không đáng có.

Tiếp theo là công tác tư vấn, giám sát thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm dẫn tới chất lượng thi công không bảo đảm.

Đó là hai lý do căn bản dẫn tới những sự cố nói trên, cần phải được xem xét xử lý nghiêm khắc", vị PGS nêu quan điểm.

Về giải pháp khắc phục, vị chuyên gia cho rằng tổ điều tra, kiểm tra đã chỉ ra những sai sót, hạn chế trong dự án thì phải yêu cầu nhà thầu cũng như đơn vị thi công phải sửa cho bằng được.

Tuy nhiên, trước mắt, ông yêu cầu các cơ quan chuyên môn có đánh giá chi tiết về mức độ nguy hiểm của sự cố, những tác động và nguy cơ có thể xảy ra. Trên cơ sở báo cáo, đánh giá cụ thể mới đưa ra phương án xử lý. Ông lưu ý, với những lỗi kỹ thuật nêu trên ở nhiều dự án nếu quá nghiêm trọng còn phải buộc nhà thầu phá đi làm lại.

"Mối nối nhịp nằm trùng với mối nối ray có thể khắc phục bằng cách đặt lại ray là xong, nhưng, khe hở trên đá kê gối vượt quá giới hạn cho phép thì buộc phải sửa lại. Có nhiều dự án tôi biết, khi sửa lỗi này các chuyên gia nước ngoài đã phải yêu cầu cắt cả cột kê gối hoặc phải đập gối vượt đó đi để làm lại. Sự cố phải được khắc phục triệt để, không thể chắp vá", ông Thám nói thêm.

Cùng với việc yêu cầu rà soát, đánh giá toàn diện dự án để đưa ra phương án khắc phục triệt để, PGS.TS Nguyễn Đình Thám còn đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan.

"Trách nhiệm chính ở đây là nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát. Thi công sai thì thi công phải chịu trách nhiệm. Giám sát yếu kém để xảy ra sự cố mà không phát hiện ra thì giám sát phải chịu trách nhiệm. Nhất là khi phát hiện sự cố nhưng vẫn ký xác nhận để đơn vị thi công tiếp tục thực hiện dự án thì trách nhiệm của đơn vị giám sát sẽ còn lớn hơn.

Dư luận băn khoăn, lo ngại và có quyền đặt ra câu hỏi về chất lượng, tính an toàn của dự án. Đây mới là những sự cố về ray, khe hở, nếu rà soát tổng thể dự án thì có những sai phạm nữa không? Do đó, các cơ quan chức năng liên quan phải làm rõ vấn đề này cũng như phải xử lý thật nghiêm để trả lời trước công chúng", ông Thám nêu rõ.

Lam Lam

Lam Lam

Theo Đất Việt