'Rót' hơn 3.300 tỷ đồng xây hầm đường bộ cao nhất Việt Nam qua con đèo lớn nhất vùng Tây Bắc

Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ này dự kiến sẽ rút ngắn thời gian qua con đèo lớn nhất vùng Tây Bắc xuống còn khoảng xấp xỉ 8 phút

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lai Châu vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Đây là công trình do UBND tỉnh Lai Châu quyết định đầu tư; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công tình giao thông Lai Châu đóng vai trò chủ đầu tư. Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên là Dự án nhóm A thuộc lĩnh vực giao thông. Hình thức đầu tư là xây mới.

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2026 (ảnh minh họa)
Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2026 (ảnh minh họa)

Theo đó, phạm vi đầu tư với điểm đầu từ Km0+00 tại khoảng lý trình Km78+00 Quốc lộ 4D thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và điểm cuối khoảng Km8+800 kết nối với trục đường D1 theo Quy hoạch chi tiết khu dân cư tổ 13 phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Hầm Hoàng Liên có chiều dài khoảng 8,8km (trong đó 2,5km là tuyến hầm) với 4,65km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,15km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Công trình hầm gồm 2 ống hầm cách nhau dự kiến 30m, chiều dài mỗi ống hầm 2,5km, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, kết hợp với tiêu chuẩn TCVN (hầm đường sắt và hầm đường ô tô - quy phạm thi công, nghiệm thu). Trên tuyến sẽ xây dựng 10 cầu (địa phận tỉnh Lai Châu 6 cầu và Lào Cai 4 cầu).

Sau khi đưa vào sử dụng dự án hầm Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường tại đèo Hoàng Liên (độ cao đèo trên 2.094m so với mực nước biển), thay thế được 22km đường đèo nguy hiểm nhất trên tuyến quốc lộ 4D. Đây sẽ là hầm đường bộ cao nhất Việt Nam.

Với quy mô đầu tư như trên, dự án sẽ có tổng mức đầu tư là 3.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.168,3 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nguồn ngân sách Trung ương (2.500 tỷ đồng) và ngân sách địa phương.

Thời gian thi công tuyến đường khoảng 4 năm (mỗi năm trung bình làm việc 240 ngày), trong đó hoạt động nổ mìn phá đá để đào nền đường được tiến hành trong 3 năm đầu.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công tình giao thông Lai Châu cho biết, dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2026.

Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ
Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ

Được biết, đèo Ô Quy Hồ là con đèo lớn và dài nhất của vùng Tây Bắc. Đèo được biết đến với nhiều cái tên như đèo Ô Quý Hồ, đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây. Đèo nằm ngay bên cạnh tuyến quốc lộ 4D chạy qua dãy Hoàng Liên Sơn, giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Nếu được triển khai, hầm đường bộ này sẽ giúp thay thế toàn bộ quãng đường đèo dốc, đường quanh co của đèo Ô Quy Hồ từ thị xã Sa Pa (Lào Cai) sang huyện Tam Đường (Lai Châu) theo quốc lộ 4D, điển hình là 5 khúc cua nguy hiểm tại khu vực đỉnh đèo Cổng Trời - Ô Quý Hồ; vị trí khúc cua quay đầu tại Cầu Kính Rồng Mây và khoảng 30 khúc cua tay áo nguy hiểm với độ dốc trên 10% và một số đoạn lên tới 15%.

Thời gian di chuyển qua đèo Hoàng Liên hiện nay trung bình khoảng 50 phút đối với xe con (với vận tốc trung bình 35-40 km/h) và khoảng 2 tiếng đối với xe tải vận chuyển hàng hóa (với vận tốc trung bình 10-15 km/h). Hầm đường bộ này dự kiến sẽ rút ngắn thời gian qua đèo xuống còn khoảng xấp xỉ 8 phút.

Ngoài ra, các phương tiện còn tránh được tình trạng liên tục sạt lở vào mùa mưa lũ, hiện tượng sương mù dày đặc, đường trơn trượt do băng tuyết vào mùa đông nếu lưu thông qua hầm xuyên núi.

Mục tiêu đầu tư của dự án là tạo ra tuyến đường tránh đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Lào Cai, tỉnh Lai Châu và khu vực Tây Bắc.

Bên cạnh đó, Hầm Hoàng Liên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giao thương, phát triển dịch vụ logictics, kinh tế biên mậu, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thuỷ Hà (Trung Quốc). Đặc biệt là đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.

Lai Châu là một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Bộ.

Trước năm 2004, diện tích hành chính tỉnh Lai Châu bao gồm cả tỉnh Điện Biên. Sau khi tách, Lai Châu hiện tại có vị trí phía bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 10/63 tỉnh thành Việt Nam.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống