Sai phạm tại Cát Bà: Du lịch sinh thái trá hình?

Khái niệm du lịch sinh thái đang bị biến tướng, lạm dụng, lợi dụng để xâm hại hệ sinh thái, xâm hại di sản...

Phải bảo tồn nghiêm ngặt

Lãnh đạo TP Hải Phòng mới đây chỉ đạo, kiên quyết tháo dỡ các công trình sai phạm của 7 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại vườn quốc gia Cát Bà. Nguyên nhân là do, từ năm 2009 đến nay, vườn quốc gia Cát Bà đã để Trung tâm Dịch vụ, du lịch và giáo dục môi trường quốc gia Cát Bà sai phạm trong việc liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ và doanh nghiệp đã sai phạm theo quy định pháp luật.

Sai phạm tại Cát Bà: Du lịch sinh thái trá hình? - Ảnh 1
Các công trình sai phạm gây phản cảm và mất mỹ quan. Ảnh: Baogiaothong

Là người nhiều năm gắn bó với Vườn quốc gia Cát Bà, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cảm ơn và rất ủng hộ quyết định cũng như chỉ đạo của lãnh đạo TP Hải Phòng.

GS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh, Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vì thế, yêu cầu tháo dỡ các công trình sai phạm, buộc cải tạo lại, trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho vườn quốc gia Cát Bà là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, thể hiện trách nhiệm cao của lãnh đạo TP Hải Phòng.

Mặt khác, theo vị chuyên gia khu Bảo tồn sinh quyển thế giới Cát Bà được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 19/12/2004, cùng với vịnh Hạ Long là di sản của thế giới có giá trị đa dạng sinh học rất cao mà điển hình là sự hiện diện của gần 100 cá thể Vọoc, chỉ ở Cát Bà mới có.

"Đặc điểm của loài Vọoc là tập trung sinh sống tại các khu vực núi cao, nếu cho phép xây dựng các công trình du lịch tại Cát Bà chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của các loài động, thực vật tại khu vực Vườn quốc gia Cát Bà. Do đó, phải tháo dỡ các công trình du lịch tại khu vực này nhằm bảo vệ toàn vẹn hệ thái đa dạng của Cát Bà. Việc xây dựng các công trình du lịch trong khu vực này là vi phạm Luật lâm nghiệp, Luật bảo vệ môi trường, Luật di sản... cần phải xử lý thật nghiêm", GS Đặng Huy Huỳnh nói rõ.

Vị GS nói thêm, khi bảo vệ toàn vẹn hệ sinh thái cũng có nghĩa là đang bảo vệ những giá trị di sản tự nhiên, di sản đa dạng sinh học, đây chính là nguồn lợi, là nguồn sống của dân, đặc biệt trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, yêu cầu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên rừng, dưới biển là yêu cầu bức thiết, phải quyết liệt, kiên quyết hơn nữa. Đây cũng chính là lợi thế cần phải được bảo vệ, gìn giữ, phục vụ cho mục đích phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhìn rộng ra, vị chuyên gia cũng cảnh báo một xu hướng phát triển du lịch dịch vụ nhưng gắn mác du lịch sinh thái để phá rừng, xâm hại tài nguyên cần phải xử lý nghiêm.

Theo GS Đặng Huy Huỳnh, du lịch sinh thái trên thế giới là một khái niệm tốt, mang nhiều ý nghĩa góp phần tích cực cho việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, tuy nhiên, khái niệm du lịch sinh thái đang bị một số doanh nghiệp làm du lịch tại Việt Nam biến tướng, lạm dụng, lợi dụng để xâm hại hệ sinh thái, phá vỡ đa dạng sinh học, đe dọa nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, tới tài nguyên và di sản. Điển hình phải kể đến như Tam Đảo, Cát Bà đang được phản ánh.

Vì điều này, vị chuyên gia nhấn mạnh, các cơ quan quản lý phải làm rõ khái niệm du lịch sinh thái, không cho doanh nghiệp cơ hội lấy 4 chữ "du lịch sinh thái" để làm hàng rào che mắt các cơ quan quản lý, che mắt dư luận mà xâm hại tới di sản tự nhiên.

"Giải pháp tốt nhất là chính quyền địa phương phải nhận thức rất rõ ràng về du lịch sinh thái cũng như nhiệm vụ để phát triển du lịch sinh thái bền vững là như thế nào?

Tôi nhấn mạnh, chúng ta không bác bỏ phát triển du lịch sinh thái nhưng phải giám sát, quản lý chặt chẽ các mục đích, hoạt động của dự án, tránh tình trạng làm xong rồi mới phá, như vậy là sai cả từ phía quản lý và phía doanh nghiệp mà cuối cùng thiệt hại thì tất cả đều phải chịu", vị chuyên gia chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) cũng quan ngại trước xu hướng phát triển du lịch sinh thái trá hình tại các khu vực cần bảo tồn như Vườn quốc gia Cát Bà đang là mối đe dọa lớn tới sự phát triển bền vững của hệ sinh thái tự nhiên.

Vì điều này, bà Hoa cho rằng cần phải thực hiện rà soát rất kỹ lưỡng cũng như việc đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn đặc thù phải khác so với các hình thức phát triển du lịch và địa bàn phát triển du lịch thông thường.

Lấy ví dụ như chỉ tiêu tiếng ồn tại khu vực Vườn quốc gia Cát Bà cũng phải được xây dựng căn cứ trên đặc điểm hệ sinh thái, môi trường sống của các loài sinh vật tại đây, do đó, chỉ tiêu về tiếng ồn cũng rất khắt khe, chặt chẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu có diễn ra các hoạt động xây dựng, du lịch, có sự ra vào của con người chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đời sống của các loài.

"Hiện tại chúng tôi đang hỗ trợ Phú Yên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở lưu trú thân thiện môi trường cho địa phương này, đây là động thái tích cực từ phía Phú Yên. Qua việc này cho thấy, tại Phú Yên dù chưa có dấu hiệu bị xâm hại về công tác bảo tồn thì cũng đã có các tiêu chí chấm điểm rất sát sao.

Trong khi đó, Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần được bảo tồn nghiêm ngặt thì các tiêu chí, tiêu chuẩn về bảo tồn phải cộng thêm rất nhiều yếu tố", bà Hòa nói.

Nhiêu sai phạm

Liên quan tới vụ việc, phía UBND TP Hải Phòng mới đây cho biết, Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản Thùy Trang đã xây dựng công trình trên diện tích 7.792,4m2 nằm trong khu vực đảo Nam Cát, trong khi cam kết chỉ xây dựng 1.695m2; Công ty CP Thương mại Tùng Long xây dựng công trình 4.155,3m2 nằm trong khu vực Hòn Ba Cát Bằng và Bãi Tháp; Công ty CP Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa xây dựng công trình 9.741,84m2 tại khu vực đảo Cát Dứa 2; Công ty CP khu du lịch đảo Cát Bà xây dựng công trình 5.122m2 tại khu vực đảo Cát Dứa; Công ty TNHH Đảo Cát xây dựng công trình 2.286,5m2 tại khu vực bãi tắm Vạn Bội và Công ty CP Thương mại Thanh Bình xây dựng công trình trên diện tích 7.642,6m2 tại khu vực trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà.

Cũng theo UBND TP Hải Phòng, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Cát Bà đã có nhiều sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp này khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình khi chưa có chấp thuận đầu tư của các cấp có thẩm quyền, không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng; không có giấy phép xây dựng, không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng; không có các thủ tục về phòng cháy chữa cháy; không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú.

Xác định các công trình này có nhiều sai phạm nên từ 22/11/2016, thành phố đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo vườn quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động với doanh nghiệp. Cuối năm 2018 đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường thuộc vườn quốc gia Cát Bà có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết. Tuy nhiên, sau thông báo, các doanh nghiệp vẫn không thực hiện mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ tại các địa điểm này.

Sau quá trình xác minh, điều tra, đến ngày 23/8/2019, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại vườn quốc gia Cát Bà.

 

Lam Lam

Theo Báo Đất Việt