Sân bay trăm tuổi hơn 1.500ha rộng nhất Việt Nam, đón gần 1.000 chuyến bay mỗi ngày, từng là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới
Cảng hàng không này từng được xếp hạng top 10 sân bay tốt nhất thế giới trong nhóm các sân bay có năng lực phục vụ 20-25 triệu khách/năm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 22 sân bay (10 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa). Trong đó, 5 sân bay đã đi vào hoạt động lớn hiện nay là: sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Cam Ranh và sân bay quốc tế Phú Bài.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước.
Từng là phi trường bận rộn nhất thế giới
Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, khởi thủy sân bay do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1920 trên phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt, phía tây bắc Sài Gòn. Ban đầu, sân bay Tân Sơn Nhứt có một đường băng, nền đất, xung quanh trồng cỏ chỉ dùng cho quân sự.
Năm 1921, tuyến bay thẳng Hà Nội-Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút. Chuyến bay đầu tiên từ Paris-Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất là vào năm 1933, chuyến bay này kéo dài 18 ngày. Năm 1937, Pháp cho thành lập Sở Hàng không dân dụng Đông Dương.
Khi vào Việt Nam, Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3.000m bằng bê tông thay cho đường băng đất đỏ Pháp làm trước đó. Sân bay mới vừa phục vụ thương mại vừa là nơi không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng làm căn cứ.
Các tài liệu đặc biệt hiện còn lưu trữ cũng khẳng định Tân Sơn Nhất đã có sự phát triển nhanh hơn cả hoạch định của các kỹ sư hàng không lẫn nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam. Năm 1960 - lần đầu tiên sân bay tiếp nhận loại phản lực cơ thương mại cỡ lớn, làm thay đổi cục diện nhà ga phi cảng. Một năm sau, hoạt động hàng không tăng vọt lên.
Tới 6 tháng đầu năm 1962, số hành khách sử dụng phi cơ thương mại tăng "một cách kinh dị". Người ta tính, nếu lấy tổng số hành khách lúc này so với cùng kỳ năm trước thì tăng 83%. Sự gia tăng này vượt trội so với sân bay quốc tế của các nước khác cùng thời điểm, chỉ 13-16%.
Đến năm 1967, lượng khách đến phi trường đã tăng lên hơn 1 triệu người, 2 năm sau đạt hơn 2,3 triệu. Tờ Sài Gòn báo số 134 (ngày 2/4) năm đó có viết: "45.000 phi cơ lên xuống Tân Sơn Nhất trong một tháng". Bản tin cũng cho biết, sân bay sắp hoàn thành đường băng hạng A thứ hai và nhận định chiến tranh tại Việt Nam đã làm Tân Sơn Nhất thành một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới.
Theo một chuyên gia ngành hàng không, trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600ha, gấp 3 lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.
Phần đất này sau 1975 được cắt ra trong quá trình đô thị hóa, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung... vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.
Kỳ vọng về đô thị hàng không hàng đầu Việt Nam
Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 1.500ha, trong đó 850ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160ha để làm sân golf và dịch vụ. Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20ha đất ở khu vực sân bay cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng Tân Sơn Nhất.
Hiện sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích cũng như công suất nhà ga (với công suất thiết kế năm 2018 là 28 triệu lượt khách/năm và quá tải khi lượng hành khách lên tới 38 triệu khách/năm) và là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam.
Sân bay có hai đường băng song song, trong đó đường băng 07L/25R dài 3.048m rộng 45m, đường băng 07R/25L dài 3.800m rộng 45m, sân bay có thể phục vụ các chuyến bay của nhiều loại máy bay. Nhà ga quốc tế với 10 cầu lồng hàng không (nhiều hơn 6 cái so với ở nhà ga nội địa) thích ứng với cả những loại máy bay thân rộng bay tầm xa như Boeing 747-400, Boeing 777-200/300, Airbus A350, Boeing 767, Airbus A330, Boeing 787, Airbus A380...
Sân bay hiện có 2 đường băng cách nhau 365m nên không thể cùng một lúc 2 chuyến bay cùng cất, hạ cánh, mà phải thay phiên nhau, cứ chiếc này cất cánh xong thì chiếc kia mới được hạ cánh. Hiện nay, số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt khoảng 948 chuyến bay/ngày.
Những năm qua, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không ngừng được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, góp phần cho công tác phục vụ hành khách ngày càng văn minh, lịch sự. Sản lượng hành khách, sản lượng cất hạ cánh và vận chuyển hàng hóa liên tục tăng nhanh qua các năm, đưa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trở thành cảng hàng không có sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa cao nhất cả nước, trở thành một nhân tố quan trọng thu hút đầu tư, du lịch và các hoạt động thương mại, văn hoá giữa Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng với thế giới.
Hiện nay, TP. HCM đang nghiên cứu, phát huy các đặc điểm của mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất để tận dụng các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, có giải pháp giải quyết các khó khăn, thách thức về vị trí địa lý cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố...
Năm 2021, theo kết quả xếp hạng các sân bay thế giới năm 2021 của Tổ chức chuyên xếp hạng vận tải hàng không Skytrax (Anh), Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được vinh danh top 10 sân bay tốt nhất thế giới trong nhóm các sân bay có năng lực phục vụ 20-25 triệu khách/năm. Năm 2015, Tân Sơn Nhất vào top 10 sân bay cải tiến nhất thế giới.