Sau 5 năm, người bán nhà ở xã hội có thể không phải nộp tiền sử dụng đất
Dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đang đưa ra một số quy định có lợi hơn dành cho người mua.
Trong cuộc họp về Dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngày 27/5, các đại biểu đã đồng thuận với những sửa đổi mới và đánh giá đây là điểm thay đổi đột phá của Luật Nhà ở 2023 (sửa đổi).
Cụ thể, người bán nhà ở xã hội (là căn nhà chung cư) sau 5 năm sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất. Trong khi đó, chủ đầu tư bán loại nhà ở này sau 10 năm cho thuê sẽ phải nộp tiền sử dụng đất.
Đây được xem là điểm mới so với quy định đang được áp dụng (chủ đầu tư được miễn nộp tiền sử dụng đất nếu bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê), đối với căn hộ chung cư, mức nộp là 50%, nhà ở riêng lẻ là 100% tiền sử dụng đất được phân bổ cho nhà ở đó.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát và xem xét kỹ các trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ xây ở vùng sâu, vùng xa. Bởi, nếu quy định này được áp dụng, đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi sẽ phải nộp tiền sử dụng đất. Theo Phó Thủ tướng, việc xem xét này nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân ở vùng khó khăn.
Dự thảo của Nghị định cũng đưa ra 3 phương thức bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, theo báo Vnexpress.
Theo đó, chủ đầu tư phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án nhà ở xã hội; bố trí quỹ đất thay thế hoặc đóng tiền tương đương với giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để xây nhà ở xã hội.
Theo như dự thảo, đối với trường hợp dự án có quy mô dưới 2ha tại đô thị đặc biệt và loại I, dưới 5ha tại đô thị loại II và loại III, UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư nộp tiền vào ngân sách, thay cho việc dùng quỹ đất xây nhà ở xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - ông Lê Hoàng Châu cho rằng giới hạn quy mô của dự án dưới 2ha tại đô thị như trên chưa thực sự thuyết phục do thiếu căn cứ pháp lý và thực tiễn.
Theo ông Châu, thực tế giai đoạn 2015-2021, nhiều khu đô thị, nhà ở thương mại với quy mô lớn hàng trăm ha nhưng không thấy "bóng dáng nhà ở xã hội". Ông Châu đưa ra lý do vì nếu xây dựng trên quỹ đất này, chủ đầu tư sẽ phải tính thêm các chi phí trên vào giá bán. Do đó, ông Châu đề nghị bỏ giới hạn quy mô dự án được xét đóng tiền tương đương với quỹ đất 20%.
Về phía UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đề nghị ghi rõ số tiền chủ đầu tư dự án nhà thương mại nộp vào ngân sách tương đương với giá trị quỹ đất để xây nhà ở xã hội.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh "Nhà ở xã hội là ưu tiên của ưu tiên trong việc phát triển nhà ở".
Phó Thủ tướng yêu cầu Nghị định cần có thêm các chính sách mang tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong việc phát triển đô thị và nông thôn, theo Tạp chí Tri Thức.
Bộ Xây dựng được giao bổ sung quy định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội.
Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Nghị định này thừa kế các quy định hiện hành vẫn đang được triển khai hiệu quả, đồng thời thể chế hóa những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.