Siết quản lý vốn ngoại trên thị trường chứng khoán
Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC, hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ giúp cộng đồng nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận và tuân thủ quy định pháp luật, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát và triển khai chính sách.
Bộ Tài chính mới đây ban hành Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC, hợp nhất Thông tư số 51/2021/TT-BTC và Thông tư số 20/2025/TT-BTC, hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định mới, hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ được siết chặt hơn thông qua cơ chế báo cáo điện tử, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời thiết lập hệ thống kiểm soát giao dịch minh bạch và có kỷ luật. Không chỉ nhà đầu tư, mà cả các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký hay công ty quản lý quỹ cũng được đặt vào khuôn khổ quy định cụ thể hơn, với mục tiêu bảo đảm tính minh bạch và kỷ luật vận hành của toàn thị trường.
Xác lập đầy đủ, chi tiết nghĩa vụ của các bên
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nghĩa vụ liên quan được hướng dẫn cụ thể hơn bao gồm việc mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, tài khoản lưu ký, khai báo sở hữu, kê khai thuế – phí và thực hiện báo cáo định kỳ. Đặc biệt, quy định nhấn mạnh nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực công khai thông tin, minh bạch giao dịch và nghiêm cấm mọi hành vi thao túng giá hay tạo cung cầu ảo – những hành vi từng là lỗ hổng lớn trong giám sát dòng vốn ngoại.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, công ty quản lý quỹ, văn bản hợp nhất đặt ra những yêu cầu cụ thể về việc phân định rõ ràng giữa giao dịch trong và ngoài nước, bảo mật thông tin khách hàng, và nghĩa vụ phối hợp đầy đủ với các cơ quan quản lý trong công tác báo cáo, giám sát dòng vốn đầu tư. Những yêu cầu này không chỉ giúp củng cố hiệu quả kiểm soát dòng vốn mà còn góp phần hạn chế rủi ro hệ thống, thúc đẩy niềm tin vào thị trường.
Một điểm đáng chú ý khác là quy trình cấp, thay đổi hoặc đình chỉ mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện qua hệ thống điện tử vận hành bởi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Cơ chế này giúp nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả quản lý, đồng thời bảo đảm việc đăng ký, cập nhật hoặc tạm ngừng mã giao dịch được thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật.
Xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ
Một trong những điểm mới nổi bật của văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC là việc quy định tất cả các báo cáo – từ giao dịch, sở hữu đến tài chính – của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức cung cấp dịch vụ đều phải được nộp qua hệ thống điện tử của UBCKNN, đồng thời được lưu trữ tối thiểu trong vòng 5 năm.
Quy định này áp dụng cho nhiều kỳ báo cáo khác nhau như báo cáo ngày, hai tuần, tháng và năm. Trong các tình huống bất khả kháng, nhà đầu tư có thể nộp báo cáo bản giấy kèm theo dữ liệu điện tử, bảo đảm tính linh hoạt nhưng vẫn giữ yêu cầu minh bạch, kỷ luật báo cáo tài chính.
Việc hợp nhất hai thông tư thành một văn bản duy nhất dù không thay đổi hiệu lực pháp lý của các văn bản gốc, nhưng lại mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn: giúp cộng đồng nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tra cứu, áp dụng và tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc hướng dẫn và kiểm tra.
Sự ra đời của Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC được đánh giá là bước đi thể hiện rõ vai trò điều phối của Bộ Tài chính trong điều hành thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang chuyển dịch nhanh và các rủi ro liên quan đến giao dịch xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Cùng với đó, UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký và các thành viên thị trường sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu mối trong việc triển khai, giám sát và đảm bảo tính tuân thủ trong toàn hệ thống.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như MSCI hay FTSE Russell, việc siết chuẩn quản lý vốn ngoại không đơn thuần là một cải cách kỹ thuật. Đây còn là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết cải cách, hội nhập và minh bạch mà Việt Nam đang chủ động gửi tới cộng đồng đầu tư toàn cầu.