Siêu sân bay 16 tỷ USD sẽ kết nối với cảng hàng không đông khách nhất Việt Nam bằng hệ thống giao thông chưa từng có
Hệ thống kết nối siêu dự án 16 tỷ USD với cảng hàng không quốc tế này được đầu tư quy mô và hiện đại.
Ngày 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trong điểm ngành giao thông vận tải. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa đầu càu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm ngành giao thông vận tải và có mỏ nguyên vật liệu xây dựng.
Tại phiên họp, siêu dự án sân bay Long Thành được đầu tư 16 tỷ USD cũng được Thủ tướng nhấn mạnh về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối trên cao hoặc đi ngầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 28/2/2024.
Bên cạnh tuyến đường sắt kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang đều nghiên cứu bố trí ga ngầm tại sân bay Long Thành.
Về liên kết sân bay quốc tế Long Thành với khu vực, cũng trong tháng 3/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản về vấn đề này gửi đến Ban quản lý dự án đường sắt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI). Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và TEDI cùng ACV kiểm tra lại không gian và cấu trúc kích thước để đảm bảo có đủ chỗ cho việc bố trí ga đường sắt và kết nối một cách thuận tiện với nhà ga hành khách cũng như các công trình khác tại cảng hàng không. Tất cả để đảm bảo cho quá trình xây dựng các hạng mục của cảng hàng không quốc tế Long Thành phù hợp với việc mở ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ga đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của "siêu sân bay", các cơ quan này cũng cần chắc chắn việc xây dựng sau này của các công trình đường sắt sẽ không ảnh hưởng tới cấu trúc của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5/1/2021 với số vốn 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD). Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD)
Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Theo kế hoạch, trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hiện tại, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích cũng như công suất nhà ga (với công suất thiết kế năm 2018 là 28 triệu lượt khách/năm và quá tải khi lượng hành khách lên tới 38 triệu khách/năm) và là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam.
Số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt khoảng 948 chuyến bay/ngày. Sản lượng hành khách, sản lượng cất hạ cánh và vận chuyển hàng hóa liên tục tăng nhanh qua các năm, đưa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trở thành cảng hàng không có sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa cao nhất cả nước, và thuộc top đầu khu vực.