Siêu sân bay được ví như một trong “Bảy kỳ quan thế giới mới” ở Trung Quốc: Rộng 1,4 triệu mét vuông, chỉ mất gần 5 năm để xây dựng
Sân bay quốc tế Đại Hưng là sân bay lớn nhất Trung Quốc thời điểm hiện tại.
Sân bay quốc tế Đại Hưng nằm ở phía nam thủ đô Bắc Kinh, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 46 km và nằm ở trung tâm khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và được mệnh danh là một trong “Bảy kỳ quan thế giới mới”. Tổng diện tích xây dựng của Sân bay Đại Hưng lên tới 1,4 triệu mét vuông, trong đó diện tích nhà ga chiếm 780.000 mét vuông. Đây hiện là sân bay lớn nhất Trung Quốc và mức đầu tư cũng rất lớn, với gần 400 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,3 triệu tỷ đồng). Sân bay có 92 vị trí đỗ máy bay và có thể đáp ứng thông lượng 72 triệu hành khách mỗi năm.
Sân bay Đại Hưng là sân bay quốc tế cấp 4F (mức cao nhất trong phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), được khởi công vào tháng 12/2014 và chính thức hoạt động vào ngày 25/9/2019, sau chỉ gần 5 năm xây dựng.
Sân bay này được thiết kế bởi kiến trúc sư quá cố Zaha Hadid và đối tác ở Trung Quốc, có diện tích gấp đôi sân bay thủ đô Bắc Kinh, hiện nay là sân bay chính trong thành phố và sân bay lớn nhất ở Trung Quốc. Các công nhân sử dụng tổng cộng 1,6 triệu m3 bê tông và 52.000 tấn thép để xây dựng công trình.
Tổ hợp tòa nhà thuộc nhà ga sân bay bao phủ diện tích 313.000 m2, gồm khu vực trung tâm và 5 nhánh tỏa ra các phía, phỏng theo hình chim phượng hoàng dang rộng cánh, theo nhà thầu xây dựng Beijing Construction Engineering Group. Thiết kế của 5 cánh sẽ sử dụng những hình ảnh tiêu biểu trong văn hóa Trung Quốc như lụa, trà, gốm sứ, đất trồng trọt và vườn cây.
Với hình dáng 5 cánh, sân bay Đại Hưng hướng tới giảm thời gian đi bộ cho hành khách. Ban quản lý sân bay cho biết khoảng cách giữa cửa kiểm tra an ninh và cửa ra máy bay xa nhất không quá 600 m, tương đương 8 phút đi bộ.
Quá trình xây dựng dự án 11này bắt đầu vào năm 2014 với hơn 40.000 công nhân vào giờ cao điểm. Nhà ga sân bay mang đậm phong cách thiết kế của kiến trúc sư Hadid với hiệu ứng đường viền và ánh sáng tự nhiên chiếu qua hơn 8.000 cửa sổ trên mái.
Sân bay Đại Hưng còn trang bị những công nghệ tiên tiến như thiết bị nhận diện gương mặt sử dụng trong quá trình kiểm tra an ninh và nhập cảnh. Các robot phục vụ sẽ cung cấp cập nhật về chuyến bay và thông tin sân bay cho hành khách.
Sân bay Đại Hưng được xây dựng với mục đích giảm bớt tình trạng ùn tắc cho sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hiện đã quá tải nặng nề vì phục vụ 101 triệu lượt hành khách mỗi năm, gây tình trạng chậm chuyến thường xuyên. Ngoài hệ thống cao tốc, sân bay còn được kết nối với trung tâm thành phố qua tàu điện, xe bus trung chuyển hai chiều. Hệ thống tàu cao tốc kết nối từ trung tâm Bắc Kinh tới sân bay mới.
Công trình này còn được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại như robot phục vụ hành khách, định vị hành lý ký gửi, ứng dụng nhận diện khuôn mặt làm thủ tục, với công nghệ nhận diện khuôn mặt, hành khách quên giấy tờ cá nhân vẫn có thể lên máy bay nhờ công nghệ quét này.
Ngoài ra, sân bay này còn thể hiện sự nỗ lực của Trung Quốc trong công tác bảo vệ môi trường như sử dụng nước mưa, nhà mát điện năng lượng mặt trời hay bãi đỗ xe công nghệ cao được khẳng định sẽ là sân bay của tương lai và lập kỷ lục về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao nhất.
Mục tiêu vận hành trong giai đoạn đầu của sân bay là đón 72 triệu lượt khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm cho tới năm 2025. Sau khi đưa vào sử dụng tổng cộng 7 đường bay, sân bay sẽ đón ít nhất 100 triệu lượt khách và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành sân bay quốc tế lớn nhất thế giới.