Siêu sân bay gần 340.000 tỷ sắp tuyển dụng 14.000 lao động, một nhóm đối tượng đặc biệt được ưu tiên
Sân bay lớn nhất Việt Nam đang trong quá trình xây dựng. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án khi được đi vào hoạt động sẽ cần đến 14.000 nhân sự có chuyên môn.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 16 tỷ USD (gần 340.000 tỷ đồng). Sân bay được xây dựng đạt cấp 4F, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Để sẵn sàng hoạt động khi giai đoạn 1 của sân bay Long Thành được hoàn thành, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã có kế hoạch cho nhân lực phục vụ dự án. Mới đây, ACV cùng Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama2 (Đồng Nai) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Mục đích nhằm chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào khai thác.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau từ phổ thông đến đại học, trên đại học. Chính vì thế mà thời gian qua, ACV, SAGS đã có nhiều kế hoạch để chuẩn bị nguồn nhân lực lớn, có tay nghề, phục vụ cho ngành hàng không, đồng thời tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm, đánh giá các cơ sở đào tạo có năng lực và kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai để phát triển thêm nguồn nhân lực tại chỗ.
Việc hợp tác với Trường Cao đẳng công nghệ Lilama 2 ở Đồng Nai cũng là để thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực gia công, sản xuất vật tư, linh kiện phụ tùng để phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa các phương tiện, trang thiết bị hàng không. Ngoài ra còn đào tạo các ngành như xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia công tác tại sân bay Long Thành.
Trong quá trình tìm kiếm nguồn nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động, tỉnh Đồng Nai cũng ưu tiên tuyển dụng với con em trên địa bàn tỉnh. Mục đích là để thực hiện an sinh xã hội, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là con em giá đình nằm trong diện di dời, nhường đất làm sân bay.
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực sân bay Long Thành được đào tạo ngay tại địa phương sẽ giúp con em Đồng Nai có nhiều cơ hội tham gia làm việc ở sân bay Long Thành, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị: "Đề nghị ACV, SAGS cung cấp số lượng nhân sự cần phục vụ trong sân bay, từ đó tỉnh sẽ nghiên cứu, thống kê số lượng... Các sở ban ngành của tỉnh cũng sẽ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ con em của tỉnh khi tham gia đào tạo".