Sổ hồng bị “ngâm” nhiều năm – Rào cản phát triển căn hộ chung cư?

Sau niềm vui mua được chốn an cư, người dân tại nhiều dự án đang phải khổ sở vì câu chuyện chờ đợi “đỏ mắt” vẫn không được cấp sổ hồng dù đã thanh toán tất cả các loại chi phí, thậm chí không ít trường hợp đã dọn vào sinh sống nhiều năm. Đây cũng là lý do nhiều người ngại đầu tư vào phân khúc căn hộ chung cư thời gian gần đây.

 

Sổ hồng bị “ngâm” nhiều năm – Rào cản phát triển căn hộ chung cư? - Ảnh 1

Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) có nghĩa là người dân có nhà nhưng không có quyền định đoạt đới với tài sản của chính mình.

“Biệt vô âm tín” về thông tin làm sổ hồng

Tiền tỷ rót vào để mua căn hộ chung cư, người dân chỉ nhận lại được những “cuộc hẹn” không hồi kết về thời gian và quy trình để cấp sổ. Nhiều cư dân bức xúc cho biết dù đã sống tại căn hộ gần 5 năm nhưng vẫn loay hoay và mơ hồ về thông tin sổ hồng của mình.

Khi không thể chờ đợi được nữa, người dân hỏi Ban quản lý chung cư, sau đó bộ phận này lại đẩy sang cho phía nhà đầu tư. Không thể ngồi chờ trong vô vọng, người dân sinh sống tại đây đã có các động thái mạnh mẽ để đòi quyền lợi như yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư, thu thập chữ ký cư dân và gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

“Tôi không hiểu lý do gì khiến họ chậm trễ cấp sổ hồng cho chúng tôi. Trong khi tiền mua nhà đã bàn giao đầy đủ, giấy tờ cá nhân hoàn toàn minh bạch, họ nhận tiền tỷ của chúng tôi rồi lại không hoàn thành trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nhỡ mà họ có lại lấy căn hộ rồi bán cho người khác thì tôi cũng chẳng có giấy tờ chứng minh mình là chủ”, anh Hải, cư dân của một chung cư tại TP.HCM bức xúc.

Cùng chung nỗi niềm, nhiều trường hợp tỏ ra vô cùng thất vọng về cách thức hoạt động của chủ đầu tư và Ban quản lý. Thông tin về làm sổ hồng để chính thức được công nhận chủ quyền căn hộ chung cư trên mặt pháp luật của người dân có điểm chung là… mờ mịt, chẳng biết khi nào mới xúc tiến thủ tục, rồi không biết bao giờ xong và mới nhận được sổ. Chính vì thế, tiền tỷ bỏ ra mua căn hộ, nhưng muốn thế chấp để vay hay giao dịch nhiều khi lại gặp ách tắc vì “thiếu” sổ hồng.

Có thể thấy, tình trạng các chủ đầu tư với càng nhiều dự án thì việc cấp sổ hồng cho cư dân luôn bị đình trệ, thậm chí phải đợi chờ trong vô vọng.

Cư dân chung cư nhiều lần xuống đường đòi quyền lợi được cấp sổ đỏ  
Cư dân chung cư nhiều lần xuống đường đòi quyền lợi được cấp sổ đỏ  

Tháo gỡ để thu hút khách hàng phân khúc căn hộ chung cư

Trả lời cho việc “ngâm” sổ hồng, một tỉ lệ nhỏ chủ đầu tư được cho rằng do chưa thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất, hoặc gặp trục trặc về thủ tục hoàn công. Ngoài ra không ít chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong công tác giải toả đền bù các hộ dân thuộc phạm vi dự án. Từ đó, hồ sơ pháp lý để tiến hành xin cấp sổ hồng vẫn bị tắc. Nhưng cũng không ít vướng mắc đến từ các quy định hiện hành, không rõ ràng hoặc chưa đầy đủ. Đơn cử như phương án giá đất, công tác thẩm định giá đất tại các khu vực triển khai dự án chung cư,… nhiều nơi vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều dự án chung cư uy tín, chủ đầu tư vẫn “sốt ruột” chờ đợi được duyệt hồ sơ cấp sổ hồng cho người dân, đồng thời cũng là khách hàng của họ. Tuy nhiên, dù chủ đầu tư năng nổ gửi hồ sơ chờ duyệt nhưng tiến độ xử lý vẫn còn ì ạch, bê trễ. Không có ai đứng ra chịu trách nhiệm vì sự bê trễ này, cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt.

Mỗi tháng, mỗi năm chậm sổ hồng là người dân lại mất thêm cơ hội giao dịch cũng như sự gia tăng giá trị lên tài sản mà trên thực tế mình đã bỏ tiền ra mua và sở hữu.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện trên địa bàn có hơn 40 dự án nhà chung cư với hơn 20.000 căn hộ đang bị “treo” sổ hồng. Vấn đề này đã được “nhai” lại rất nhiều, nhưng tiến độ giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện sổ hồng cho người dân rất chậm.

Bên cạnh đó, câu chuyện chậm cấp sổ hồng còn liên quan đến những “nút thắt” liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Theo số liệu trong tổng hợp các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM có hơn 20.000 căn hộ bị treo sổ hồng vì vướng nghĩa vụ tài chính bổ sung hoặc tiền sử dụng đất. Chỉ riêng vướng mắc liên quan đến việc tính nghĩa vụ tài chính bổ sung đã chiếm khoảng 1/4 tổng số dự án đang ách tắc hiện nay (38 dự án bất động sản của 29 doanh nghiệp). Hầu hết các dự án có nghĩa vụ tài chính phát sinh là có thay đổi như điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án so với quy hoạch được duyệt, vì vậy sẽ phải tính thêm nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Với nhiều rắc rối xung quanh việc nhận sổ hồng sau khi mua căn hộ chung cư, nhiều người lựa chọn phương án nhà ở khác thay thế. Vì với cùng giá tiền, họ vẫn có thể sở hữu nhà mặt đất và được cấp sổ hồng ngay mà không phải chờ đợi bất kỳ chủ đầu tư nào. Chỉ khi tháo gỡ được các nút thắt này, xóa bỏ những yếu kém trước đây, chủ đầu tư mới thu hút được khách hàng lựa chọn phân khúc nhà ở chung cư này.

Theo Chất lượng và Cuộc sống