Số liệu tài chính đầy quan ngại của Liên danh CIENCO1- Cầu 14

Liên danh CIENCO1 - CTCP Cầu 14 thực hiện gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na tại Cần Thơ có bức tranh tài chính với nhiều chỉ số đầy quan ngại.

Từng bị cảnh báo vì chậm tiến độ

Công trình cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, do Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ làm đại diện chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Gói thầu được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- CTCP (CIENCO1) và Công ty cổ phần cầu 14. Trong liên danh trúng thầu, CIENCO1 đảm nhận 77% khối lượng công việc, CTCP Cầu 14 đảm nhận 23% khối lượng công việc.

Mới đây, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ đã thông tin về vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân tử vong. Theo đó, nhà thầu thi công là Liên danh CIENCO1- CTCP Cầu 14 đang đào đất hố móng để thi công lắp đặt ống cống thoát nước hoàn trả cho địa phương để thoát nước mưa đường Trần Hoàng Na xuống Sông Cần Thơ. Tại thời điểm này có hai công nhân ở dưới hố móng hỗ trợ trong quá trình đào đất bất ngờ đất trên miệng hố sạt lở xuống khiến một công nhân tử vong; còn một công nhân khác bị thương.

Nguyên nhân sạt lở được chủ đầu tư cho biết là do thủy triều lên làm đất mềm rồi sụp xuống vùi lấp các công nhân ở trong cống.

Đáng chú ý, từ khi khởi công đến ngày thông xe vào 26/4/2024, Liên danh nhà thầu CIENCO1- CTCP Cầu 14 từng bị Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ cảnh báo vì chậm tiến độ.

CIENCO1: nợ phải trả hơn 2.067 tỷ đồng

Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- CTCP (CIENCO1) có địa chỉ trụ sở tại số 623 Đường La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện công ty là ông Đinh Ngọc Đàn, Tổng giám đốc công ty. Vốn điều lệ của công ty là 700 tỷ đồng.

CIENCO1 là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, được thành lập năm 1964. Kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng các công trình giao thông; xây dựng công nghiệp, dân dụng; tư vấn đầu tư xây dựng; khảo sát thiết kế; giám sát thí nghiệm các công trình giao thông,…

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 1 – CTCP (CIENCO1), doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CIENCO1 đạt hơn 314,7 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 2,94 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty ghi nhận hơn 5,2 tỷ đồng, tăng 119,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc năm 2023, CIENCO1 báo lãi sau thuế hơn 1,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với con số 1,4 tỷ đồng của năm 2022.

Nợ phải trả của CIENCO1 tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 2.916,6 tỷ đồng
Nợ phải trả của CIENCO1 tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 2.916,6 tỷ đồng

Tổng cộng tài sản của CIENCO1 tính đến 31/12/2023 là hơn 2.916,6 tỷ đồng, tăng hơn 22,7 tỷ đồng so với hồi đầu năm (hơn 2.893,8 tỷ đồng). Tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn hơn 2.350 tỷ đồng, chiếm tới 80,6% tổng tài sản, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 1.808,9 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của CIENCO1 tại ngày 31/12/2023 là hơn 431,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho của công ty là hơn 507,1 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (hơn 502,5 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của CIENCO1 ghi nhận hơn 2.067,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn. Trong khi cùng kỳ năm 2022 (tính đến ngày 31/12/2022), nợ phải trả của công ty là 2.190,1 tỷ đồng. CIENCO1 có khoản phải thu người bán ngắn hạn hơn 1.305 tỷ đồng, chiếm tới 63,1% nợ phải trả.

Đáng chú ý, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước ghi nhận hơn 173,4 tỷ đồng và hơn 25,6 tỷ đồng phải trả người lao động.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của CIENCO1 ghi nhận hơn 248,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hơn 848,8 tỷ đồng.

Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty hiện gấp 2,4 lần. Trong khi năm 2022, hệ số này là gấp 2,6 lần. Điều này cho thấy cho thấy CIENCO1 sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CIENCO1 âm 12,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 42,5 tỷ đồng
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CIENCO1 âm 12,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 42,5 tỷ đồng

Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CIENCO1 âm 12,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 42,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 52,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 33,2 tỷ đồng.

Về mặt lý thuyết, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm thể hiện tổng dòng tiền đã thu vào nhỏ hơn tổng dòng tiền đã chi ra trong kỳ, thể hiện quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp đang bị giảm sút, ảnh hưởng đến mức độ an toàn ngân quỹ của doanh nghiệp, cũng như an ninh tài chính doanh nghiệp nói chung.

Cầu 14 Nợ phải trả của gấp 5 lần vốn chủ sở hữu

Trong khi đó, đối tác liên danh CTCP Cầu 14 được thành lập vào ngày 6/4/2007, địa chỉ trụ sở tại 144/95 Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Người theo đại diện pháp luật là Trịnh Việt Thắng, giám đốc công ty. Ngành nghề kinh doanh của công ty là xây dựng công trình đường bộ, xây dựng công trình thủy, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác,…

Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, tổng lợi nhuận trước thuế của công ty đạt hơn 1,01 tỷ đồng. Kết thúc năm, CTCP Cầu 14 báo lãi sau thuế hơn 810 triệu đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng giá trị tài sản của CTCP Cầu 14 là hơn 561,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 487 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 74,3 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tại ngày 31/12/2022 là hơn 467,7 tỷ đồng, tập trung ở nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 93,6 tỷ đồng. Hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CTCP Cầu 14 gấp gần 5 lần.

Về mặt lý thuyết, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Về nguyên tắc, tỷ lệ càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hằng ngày một tăng cao.

Minh Đức

Theo VietnamFinance