Sự trỗi dậy của Stablecoin: Mối nguy cho đồng USD?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, stablecoin vẫn là tiền ảo, lên xuống theo cung cầu và theo sự tín nhiệm của  thị trường.

Sự nổi lên của tiền ảo, nhất là những đồng stablecoin đang khiến giới chuyên gia tài chính lo ngại. Trong khi những đồng tiền ảo khác không được ràng buộc với một tài sản thực nào, mức độ biến động rất lớn thì stablecoin được neo buộc vào một tài sản thực như USD, vàng… nhằm tăng sự ổn định.

Việc stablecoin được sử dụng ngày càng nhiều trong các giao dịch nội địa và quốc tế ở Mỹ và nhiều quốc gia khác làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ mất kiểm soát tiền tệ, suy giảm chủ quyền tiền tệ, đặc biệt đồng USD sẽ mất vị thế thống lĩnh.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, những nghi ngại nêu trên là một vấn đề có thực trong hoạt động tiền tệ.

Ông khẳng định, tiền ảo, trong đó có stablecoin, không được chính phủ Mỹ và các quốc gia khác công nhận (hiện mới chỉ có El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán chính thức tại nước này). Stablecoin neo buộc vào đồng USD nhưng đó chỉ là trên danh nghĩa, thực tế, giá trị của nó lên xuống vẫn phụ thuộc vào cung cầu. Nếu cầu lớn, người tham gia mua bán stablecoin đông thì tự nhiên giá trị của đồng tiền lên giá và ngược lại.

"Bản chất stablecoin vẫn là đồng tiền ảo, lên xuống theo cung cầu và theo sự tín nhiệm của  thị trường. Nếu Mỹ công nhận stablecoin là một tài sản ảo, được mua bán, chịu thuế ở Mỹ thì dần dần nó trở thành một bộ phận trong mua bán, kinh doanh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nó tuyên bố neo vào đồng USD, số tham gia càng đông, càng nguy hiểm, đặc biệt cả thế giới vẫn dùng USD.

Stablecoin lại tuyên bố neo vào đồng USD, số người tham gia càng đông càng nguy hiểm, nhất là khi cả thế giới vẫn dùng USD. Sự lên xuống của stablecoin có thể phần nào tác động đến giá trị của đồng USD, làm ảnh hưởng đến uy tín, giá trị của đồng USD", ông Thịnh nhận xét.

Lý giải  thêm điều này, vị chuyên gia hay, trước đây, USD được đảm bảo bằng vàng. Sau này, đồng USD và những đồng tiền giấy của các quốc gia khác được đảm bảo bằng cả nền kinh tế quốc gia.

Sự nổi lên của tiền ảo đang gây ra nhiều lo ngại  
Sự nổi lên của tiền ảo đang gây ra nhiều lo ngại  
 

"Thực chất đây vẫn là câu chuyện niềm tin. Khi Mỹ phát hành hàng nghìn tỷ USD trong năm 2008, cho vay khắp nơi, giá trị của đồng USD vẫn tốt. Bây giờ, nếu đồng stablecoin hoạt động trên thị trường và dần dần thu hút nhiều người sử dụng, họ tin rằng nó gắn với đồng USD thật và khi nó mất giá thì lập tức ảnh hưởng ngay đến tài sản thực, đồng USD cũng đi xuống.

Stablecoin có thể gây phương hại đến hoạt động thực tế của đồng USD, cản trở sự điều hành của chính phủ cũng như ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ với đồng USD. Nếu không khéo, stablecoin sẽ trở thành một tác nhân tác động đến thị trường, vì đồng USD được cả thế giới thừa nhận và được thị trường tài chính quốc tế sử dụng nhiều để thanh toán, dự trữ.

Nếu chính phủ Mỹ không lên tiếng và không có sự kiên quyết, tự nhiên những đồng tiền ảo gắn với USD dần dần có thể trở thành một bộ phận của đồng USD, và khi nó thay đổi thì lập tức tác động đến đồng USD, làm cho chính phủ Mỹ không thể điều khiển được do nó vẫn lên xuống  theo thị trường và theo niềm tin. Giả sử các nhà đầu tư chỉ cần không tin đồng USD mạnh nữa thì lập tức tình hình sẽ khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Tiền kỹ thuật số có cạnh tranh được với stablecoin?

Khi tiền ảo, nhất là stablecoin trỗi dậy, nhiều quốc gia đã nghĩ tới đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) và tin rằng việc phát hành đồng tiền này sẽ xóa bỏ cơ hội sử dụng tiền ảo.

Ngay Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng tin rằng sẽ không cần đến stablecoin, không cần đến tiền ảo, nếu như có một đồng tiền kỹ thuật số của Mỹ.    

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang lên kế hoạch thí nghiệm CBDC như Trung Quốc, Nhật Bản, UAE, Thụy Điển... Về nguyên tắc, CBDC không khác gì so với tiền giấy hiện nay, nó sẽ trở thành đồng tiền pháp định được ngân hàng trung ương quản lý và bảo đảm bởi cả một nền kinh tế quốc gia như đồng tiền giấy. Thay vì in tiền giấy, ngân hàng trung ương phát hành một lượng nhất định tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ Blockchain vào lưu thông trong nền kinh tế.  Như vậy, CBDC sẽ là đồng tiền pháp định của nhà nước chứ không phải là các đồng coin mà mọi người đào trên mạng.

Khẳng định CBDC là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, ông Thịnh cho biết, tiền kỹ thuật số cho phép các giao dịch tức thời có thể được thực hiện liền mạch, tuy nhiên không phải không có thách thức, mà trong đó tính an toàn và bảo mật phải được đặt lên hàng đầu, coi là điều kiện tiên quyết để đưa đồng tiền kỹ thuật số vào hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, dễ trở thành công cụ của rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia từ các hoạt động kinh tế phạm pháp… đều phải được tính đến.

Dù có nhiều khó khăn, thách thức, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tin rằng, CBDC có thể cạnh tranh được với stablecoin. Giữa một đồng tiền pháp định được được ngân hàng trung ương quản lý, có nền kinh tế quốc gia đứng sau bảo đảm với đồng tiền chỉ là một tài sản ảo trôi nổi trên thị trường như tài sản ảo bình thường khác, CBDC có vị thế hơn nhiều. 

Đối với Việt Nam, vị chuyên gia cho biết, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo, cấm dùng tiền ảo như là phương tiện thanh toán, song chưa có quy định tiền ảo là gì, được giao dịch thế nào, mua bán, chuyển nhượng ra sao, quy đổi thế nào ra tiền đồng, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý... Đây là một lỗ hổng tạo cơ hội cho những biến tướng phát triển.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Tới nay, tổ này đã triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đơn vị được giao chủ trì tổ nghiên cứu, cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu có thể đưa ra những đề xuất ban đầu đối với vấn đề quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa trong thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chính phủ cũng đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021-2023. Đây được coi là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Cho rằng cần coi tiền ảo như một dạng tài sản ảo trên thị trường chứng khoán, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định việc nghiên cứu quản lý là cần thiết vì hiện nay vẫn có giao dịch mua bán bằng các đồng coin, họ không đóng thuế, vi phạm pháp luật cũng không có quy định thực sự rõ ràng để xử lý.

"Hiện nay vẫn có thể xử lý được hành vi này, nhưng phải chuyển sang tội danh khác. Chẳng hạn, người dân muốn chuyển từ VND ra Bitcoin thì trước tiên phải chuyển qua ngoại tệ, cụ thể là USD, mà khi chuyển từ VND sang USD đã vi phạm luật pháp vì Việt Nam không cho chuyển đổi, mua bán VND-USD một cách tự do", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Thành Luân

Theo Đất Việt