Vì sao Chủ tịch FED không ưa tiền ảo?

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho thấy ông không ưa gì tiền ảo, nhất là những đồng stablecoin.

Trong cuộc điều trần về chính sách tiền tệ vào tuần trước trước Quốc hội Mỹ, ông Powell phát biểu rằng, động lực chính để Mỹ tiến tới phát hành đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) của nước này là xoá bỏ cơ hội sử dụng tiền ảo trên đất Mỹ.

“Sẽ không cần đến stablecoin, sẽ không cần đến tiền ảo, nếu như có một đồng tiền kỹ thuật số của Mỹ. Tôi nghĩ đó là một trong những lập luận chắc chắn để ủng hộ việc phát hành tiền số ngân hàng trung ương”, Chủ tịch FED nói.

Cũng theo ông Powell: “Chúng ta có một truyền thống ở đất nước này về việc tiền của người dân được cất ở đâu và đâu là tài sản thực sự an toàn. Đó là điều không có ở stablecoin, và nếu chúng trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực thanh toán, thì chúng ta cần một khuôn khổ phù hợp. Hiện tại chúng ta chưa có khuôn khổ nào như vậy”.

Lo ngại trước sự phổ biến của các đồng tiền số, ngân hàng trung ương nhiều nước đang nghiên cứu và thử nghiệm phương án số hóa đồng tiền truyền thống.  
Lo ngại trước sự phổ biến của các đồng tiền số, ngân hàng trung ương nhiều nước đang nghiên cứu và thử nghiệm phương án số hóa đồng tiền truyền thống.  
 

Điều FED lo lắng chính là các tiền ảo như Bitcoin không “giả vờ” giống như tiền thật, nhưng “stablecoin có thể mang lại cảm giác bạn đang sử dụng thứ gì đó có giá trị cố định bằng tiền thật” mà thực ra không phải vậy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của những stablecoin như tether, USD Coin, và DAI, sẽ đặt ra những nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt là sau khi lộ ra thông tin rằng một số token được neo với đồng USD này lại không được hỗ trợ bởi đồng USD thực sự, mà bởi một loạt các tài sản rủi ro hơn.

Hồi tháng 2/2021, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đã cấm sử dụng đồng tether và một sàn giao dịch tiền ảo có liên quan là Bitfinex tại bang này.

Tim Swanson, người sáng lập công ty tư vấn công nghệ Frim Post Oak, cho rằng stablecoin là những vật “ký sinh” vì chúng hoạt động giống như “những trung gian tài chính phi ngân hàng cung cấp các dịch vụ tương tự như các ngân hàng thương mại truyền thống, nhưng lại nằm ngoài phạm vi quản lý bình thường của lĩnh vực ngân hàng”.

Đặc điểm này không chỉ đặt những người nắm giữ stablecoin trước nhiều nguy cơ mà còn có khả năng đe dọa sự ổn định tài chính nói chung, nếu một đợt bán tháo xảy ra với một stablecoin nào đó khiến giá đồng tiền này và các đồng tiền số khác giảm mạnh.

Tiền kỹ thuật số có cạnh tranh được với stablecoin?

Như đề cập ở trên, Chủ tịch FED tính đến việc đơn vị này phát hành CBDC nhằm cạnh tranh với stablecoin, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng một đồng USD kỹ thuật số sẽ không có một ưu điểm quan trọng như stablecoin.

“Stablecoin phổ biến vì chúng độc lập khỏi các chính trị gia và ngân hàng trung ương”, nhà quản lý danh mục Mati Greenspan của Quantum Economics nhận định. “Mọi người muốn sự tách bạch giữa Chính phủ và tiền. CBDC không có được điều đó”.

Một số chuyên gia nói rằng về mặt kỹ thuật, một đồng USD kỹ thuật số do FED phát hành sẽ an toàn hơn các stablecoin do tư nhân phát hành, nhưng những người dùng stablecoin lại không thực sự cần tới sự an toàn, mà cần một cách dễ dàng hơn để giao dịch, nhất là trong các giao dịch quốc tế.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, quốc gia này cũng đã cấm giao dịch tiền điện tử, đồng thời hướng đến sự tập trung hơn cho đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.

Hôm 21/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra thông báo cho biết, “các hoạt động giao dịch tiền ảo đang gây gián đoạn trật tự kinh tế và tài chính bình thường, gây ra nguy cơ chuyển tiền xuyên biên giới trái phép, rửa tiền, các hành vi tội phạm và hoạt động phi pháp khác, cũng như xâm phạm nghiêm trọng sự an toàn tài sản của người dân”.

Tuyên bố trên của PBoC được đưa ra sau khi chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã ra lệnh đóng cửa 26 mỏ "đào" tiền ảo và yêu cầu các công ty năng lượng không được cung cấp điện cho các cơ sở này.

Hiện Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án thí điểm nhằm phát hành tiền nhân dân tệ kỹ thuật số (Digital Currency Electronic Payment - DCEP) cho sử dụng trong nước và quốc tế hóa đồng tiền này.

Đồng tiền nhân dân tệ kỹ thuật số được Trung Quốc ra mắt đầu tiên từ năm 2014, hiện đang trên đà thử nghiệm ngày càng quy mô hơn. Trong khi nhiều quốc gia khác còn đang thảo luận về việc tung ra CBDC hoặc mới bắt đầu phát triển, thì đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc lại đã được thử nghiệm trên nhiều địa phương, với hàng trăm chương trình khác nhau.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được sử dụng cho các hoạt động thanh toán, gửi tiền và rút tiền từ ví điện tử. Người dùng tải xuống ứng dụng ví điện tử được PBoC ủy quyền, sau đó liên kết ứng dụng với thẻ ngân hàng để thực hiện và nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên điện thoại di động, cũng như thực hiện chuyển khoản qua máy ATM.

Ngoài việc khuyến khích người dân trong nước sử dụng đồng nhân dân tệ điện tử, chính quyền Trung Quốc còn đang đặt nền móng cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài. Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán xuyên biên giới.

Các nhà phân tích cho rằng, quyết định tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc không chỉ nhằm giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với thanh toán di động mà còn giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu tập trung vào đồng USD và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng ủng hộ những lợi ích xuyên biên giới của các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) và tuyên bố rằng các dự án như vậy sẽ hỗ trợ sự phát triển toàn cầu.

Hai định chế tài chính này đã đưa ra một báo cáo cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), cho rằng sự phối hợp về tiền kỹ thuật số sẽ thay đổi tình trạng phải phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển tiền chậm chạp và đắt đỏ để thực hiện các giao dịch trên khắp thế giới.

Ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới về tài chính và tăng trưởng công bằng, cho biết các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch và bao trùm hơn sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế trên toàn cầu. Báo cáo trên đã đưa ra viễn cảnh một hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số, nơi mà các đồng tiền có thể được trao đổi nhanh chóng và bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng thừa nhận những nguy cơ của việc phát hành CBDC, cho rằng việc giảm bớt những trở ngại đối với việc thay thế tiền tệ có thể làm giảm khả năng kiểm soát tỷ giá và sự độc lập của chính sách tiền tệ trong chế độ hoạt động của ngân hàng trung ương một số nước.

Báo cáo cũng cảnh báo trong trường hợp mọi yếu tố khác không đổi, thì các giao dịch xuyên biên giới được tiến hành dễ dàng hơn cũng có thể làm tăng rủi ro đối với cả đồng nội tệ và lĩnh vực ngân hàng trong nước.

Ông Gill cho rằng các nguy cơ này đặc biệt rõ nét đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời nhấn mạnh cần phải xem xét kỹ các mối quan ngại về quy định và chính sách. Đối với các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào các đồng ngoại tệ như đồng USD, thì CBDC có thể làm giảm vị thế của đồng tiền quốc gia ở trong nước, từ đó làm giảm tác động của chính sách tiền tệ và có khả năng gây bất ổn cho nền kinh tế trong nước.

Ngoài ra, khi một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, người dân có thể ồ ạt rút tiền. Bên cạnh đó, việc người dân có khả năng chuyển từ tiền truyền thống sang CBDC cũng có thể khiến các ngân hàng thương mại mất đi một nguồn vốn rẻ và ổn định. Vì thế, nhiều đồng CBDC dự định sẽ ngăn cản xu hướng này bằng cách giới hạn lượng CBDC mà các tổ chức và cá nhân có thể nắm giữ.

Chẳng hạn như tại châu Âu, để tránh khả năng người dân rút tiền ra khỏi các tài khoản truyền thống để chuyển sang đồng euro kỹ thuật số, ECB có thể giới hạn số tiền kỹ thuật số trong ví điện tử của họ, với ngưỡng mà một thành viên hội đồng điều hành ngân hàng này là ông Fabio Panetta đề xuất là khoảng 3.000 euro (3.500 USD).

An Nhiên

Theo Đất Việt