"Tái cấu trúc", Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) liệu có thành công?
Tân Tổng Giám đốc Xây dựng Hoà Bình Lê Văn Nam cho biết, Xây dựng Hòa Bình sẽ tập trung cho kế hoạch tái cấu trúc lại tập đoàn. Từ việc huy động vốn, công tác thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng. Liệu rằng, kế hoạch tái cấu trúc của HBC có thành công?
Lên kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã CK: HBC), doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm giúp Hòa Bình vượt qua cơn bão và lấy lại vị thế của mình. Tuy nhiên thực tế đây vẫn là một câu chuyện đường dài đối với Hòa Bình.
Lãnh đạo HBC cho biết, đầu tiên doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Đồng thời, đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho biết cũng sẽ tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới; định giá lại tài sản của công ty.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, tính đến ngày 31/3/2023 tổng đầu tư máy móc thiết bị của Hòa Bình là 2.189 tỷ đồng, trên sổ sách đã khấu hao 1.344 tỷ đồng. Giá trị còn lại là 845 tỷ đồng. Hiện giá trị đã khấu hao 1.344 tỷ đồng bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng cao nhưng trong sổ sách ghi nhận giá trị bằng 0 do đã quá 8 năm sử dụng. Trong khi đó so với thời giá nếu mua mới những thiết bị đó, do trượt giá sẽ cao hơn từ 30 – 60%.
Bên cạnh việc tái cấu trúc nguồn vốn, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Xây dựng Hòa Bình cũng sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới. Theo đó, đại hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm 5 thành viên gồm: Ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng.
HBC dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên là ông Lê Văn Nam (hiện là Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình) và ông Mai Hữu Thung (Chủ tịch CTCP Bất động sản Thành Ngân, Thành viên Ban kiểm soát CTCP Tư vấn xây dựng Điện 1).
Liên tục bán vốn tại công ty con
Mới đây, Hòa Bình đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng MATEC (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Hòa Bình) cho nhà đầu tư Ashita Group với giá 1.100 tỷ đồng. Số tiền này sẽ bổ sung vào vốn lưu động cho Xây dựng Hòa Bình.
Quyết định thoái 100% vốn tại MATEC của Hòa Bình. |
Trước đó, ngày 20/5/2023, HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng đã có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.
Việc liên tiếp bán công ty con diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh năm 2022 và quý đầu năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình thua lỗ nặng ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh.
Lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán
Hiện tại, mặc dù Hòa Bình chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, theo tờ trình dự kiến trình tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 tổ chức ngày 27/6 tới đây, HBC cho biết đã có trong tay báo cáo tài chính kiểm toán, với các số liệu biến động mạnh.
Cụ thể, số liệu từ HBC cho thấy, doanh thu thuần năm 2022 sau kiểm toán của doanh nghiệp đạt gần 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021 và tăng không đáng kể so với báo cáo tự lập.
Nguồn: HBC. |
Đáng chú ý, sau kiểm toán, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ ròng năm 2022 tăng 1.456 tỷ đồng, tương ứng với tăng gần 2,3 lần so với báo cáo tài chính tự lập, lên hơn 2.594 tỷ đồng.
Đến nay, Hòa Bình vẫn chưa công bố chi tiết BCTC kiểm toán 2022. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu HBC đã bị HoSE đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 18/05/2023 và chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám Hòa Bình khi sang tận quý I/2023, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục âm. Theo đó, doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ, về còn hơn 1.194 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận lỗ gần 444 tỷ đồng.
Được biết, năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết quý I/2023, công ty mới thực hiện được gần 16% mục tiêu doanh thu, trong khi lợi nhuận sau thuế âm.