Tăng số doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trái phiếu trong tháng 8/2024
Vis Ratings ước tính, trong tháng 8/2024 khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, tăng so với tháng trước do lượng đáo hạn trong tháng này cao gấp 3 lần so với tháng 7.
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN vừa được Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (Vis Ratings) công bố cho thấy, trong tháng 7/2024, lượng phát hành trái phiếu mới ở mức 42,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với giá trị 82,4 nghìn tỷ đồng ghi nhận vào tháng trước.
Trong số trái phiếu do nhóm ngân hàng phát hành trong tháng 7/2024, 55% là trái phiếu nợ thứ cấp do Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Nam Á và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát hành có kỳ hạn bình quân 7,1 năm và lãi suất từ 5,9% - 7,5% trong năm đầu tiên, thả nổi các năm tiếp theo với mức chênh từ 1,2% - 28% so với tham chiếu.
Các trái phiếu nợ ưu tiên khác do các ngân hàng khác phát hành có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định trong cả kỳ từ 4,6% - 5,5%.
Trong nửa đầu năm 2024, lượng phát hành trái phiếu mới lên tới 202,4 nghìn tỷ đồng, trong đó 70% được phát hành bởi khối ngân hàng.
Vis Ratings ước tính, trong tháng 8/2024 có khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.
Về trái phiếu sắp đáo hạn có rủi ro cao, Vis Ratings ước tính trong số 18,6 nghìn tỷ đồng lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 7/2024, khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong số 259 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn là những trái phiếu có rủi ro cao chậm trả nợ gốc đến hạn.
Trong khi đó, giá trị trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao trong tháng 8/2024 cao hơn so với tháng 7/2024. Cụ thể, trong tháng 8/2024, Vis Ratings ước tính khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu từ các ngành bất động sản dân cư và năng lượng. Con số 7,3 nghìn tỷ đồng tăng so với tháng trước là do lượng đáo hạn trong tháng 8/2024 cao gấp 3 lần so với một tháng liền trước.
Cũng theo công ty xếp hạng tín nhiệm này, trong số trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao của tháng 8/2024, 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành.
Trong đó, Nova Land, Hưng Thịnh Land và Đại Thịnh Phát là các tổ chức phát hành đã chậm trả nhiều trái phiếu kể từ năm 2023. Số còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ. Tính đến ngày báo cáo, công ty này chưa công bố số liệu tài chính năm 2023 theo yêu cầu trên cổng thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Liên quan đến chậm trả gốc/lãi phát sinh mới, theo số liệu của Vis Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ đầu năm tới nay là 12,2 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu chậm trả lần đầu trong tháng 7/2024 là 1,24 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 6/2024 (2,2 nghìn tỷ đồng).
Trong tháng 7/2024 có các trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi CTCP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam (Sunrise), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain...
Công ty TNHH Đầu tư Big Gain chậm trả gốc trái phiếu đến hạn là 438 tỷ đồng do chỉ trả được 562 tỷ đồng trên tổng 1.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn vào 30/7/2024.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam chậm trả lần đầu cả dư nợ gốc và lãi đến hạn vào 15/7/2024. Sau đó, vào ngày 1/8/2024, công ty được trái chủ chấp thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 2 năm nữa sang ngày 15/7/2026.