'Tăng trưởng tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao hơn mức tăng trưởng chung'

Tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung. Đây là thông tin đáng chú ý được nêu tại báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2022, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Kết quả cho thấy, năm 2021, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Nghị quyết số 01/NQ-CP cũng đề ra phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 3%.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là 9,9% và 10,1%; tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương là 8,97% và 9,31%; tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 11,02% và 11,28%. Lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam lần lượt là 15.342,78 tỷ đồng và 16,2%; Ngân hàng TMCP Ngoại thương 27.485,84 tỷ đồng và 21,66%; MB 16.603,69 tỷ đồng và 22,21%...

Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán chỉ rõ, với mức tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung. Trong đó, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực bất động sản là 15,37%, chứng khoán là 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp là 17,65%.

Cùng với đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Kết quả kiểm toán cho thấy, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD); một số TCTD tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN.

Bên cạnh đó, một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn nợ tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định; chưa kê khai nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng theo quy định. Ngoài ra, một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác , còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance