Tập đoàn BGI đang lên phương án di dời KCN Nam Đông Hà để làm khu đô thị

UBND tỉnh Quảng Trị đã có thông báo kết luận buổi làm việc nghe báo cáo ý tưởng, quy hoạch, kế hoạch di dời KCN Đông Hà và quy hoạch dự án KĐT tại TP Đông Hà.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa TP Đông Hà phát triển với tốc độ nhanh. Việc di dời các nhà máy công nghiệp là hướng ưu tiên nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Hiện, Khu công nghiệp Nam Đông Hà (phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) ở gần các cơ quan, đơn vị, cơ sở và khu dân cư có số lượng người đông, nên được UBND tỉnh Quảng Trị giao cho 1 đơn vị nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức di dời ra khỏi thành phố.

UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nhằm đảm bảo an toàn, trật tự và môi trường đô thị; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng không gian phát triển để đảm bảo các điều kiện đưa thành phố Đông Hà lên đô thị loại II.

KCN Nam Đông Hà, Quảng Trị.
KCN Nam Đông Hà, Quảng Trị.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị giao các đơn vị và Công ty cổ phần Tập đoàn BGI lập phương án di dời khu công nghiệp. Tập trung nghiên cứu các điều kiện chuyển khu công nghiệp sang phát triển đô thị dịch vụ, nguyện vọng của người dân và sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để làm rõ tính cấp thiết, đưa ra các yếu tố đặc thù để xây dựng phương án khả thi.

Những vấn đề như: Kinh phí đền bù, trang thiết bị nhà máy, kinh phí hỗ trợ dừng sản xuất của doanh nghiệp và vị trí mới cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cơ quan Nhà nước kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng do quá trình hoạt động sản xuất của các nhà máy trong khu công nghiệp.

Các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành phương án di dời khu công nghiệp trong tháng 10/2022.

Theo Báo Quảng Trị, KCN Nam Đông Hà có diện tích 98,7 ha, hiện nay có 36 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.239 tỷ đồng.

Diện tích sử dụng đất là gần 62ha, tỷ lệ lấp đầy gần 82%. Doanh thu từ khu công nghiệp đạt hơn 1.440 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Nhiều năm qua, người dân đã kiến nghị di dời khu công nghiệp này ra khỏi TP Đông Hà để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 23/12/2021, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Tập đoàn BGI lên ý tưởng, lập quy hoạch, kế hoạch di dời KCN Nam Đông Hà và khảo sát, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị cao cấp. Trên cơ sở đó, BGI đã khảo sát sơ bộ KCN Nam Đông Hà, tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, đồng thời tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế khi thực hiện di dời KCN này.

Doanh nghiệp BGI Group tiền thân có tên là Công ty Cổ phần Xây dựng số 7.
Doanh nghiệp BGI Group tiền thân có tên là Công ty Cổ phần Xây dựng số 7.

Theo tìm hiểu Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI được thành lập ngày 19/02/2002, đặt trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Vinaconex 7, số 61, đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn điều lệ khoảng 480 tỷ đồng, do ông Hoàng Trọng Đức (SN 1975) làm người đại diện. Doanh nghiệp BGI Group tiền thân có tên là Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 và được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI vào ngày 04/03/2021.

Tại Huế, nhóm BGI cũng đang thực hiện dự án BGI Topaz Garden tại khu E của Khu đô thị mới An Vân Dương, do IUC làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 24,47 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến trong quý III/2024.

Xét về tình hình kinh doanh của BGI, tính tới cuối quý II, tổng dư nợ vay tài chính ghi nhận 204 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm, chiếm 23% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Nửa đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 147 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6,6 tỷ đồng, trong khi kết quả cùng kỳ lần lượt là 54,4 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng mạnh, song, công ty không có doanh thu từ mảng bất động sản như cùng kỳ năm ngoái.

Đối với mảng bất động sản, công ty từng cho biết định hướng 5 năm tới là tập trung toàn lực để phát triển các dự án tại các tỉnh, thành phố lớn với tổng mức đầu tư giai đoạn 2022 – 2027 dự kiến xấp xỉ 15.000 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn BGI vừa thông qua việc ủy quyền cho CTCP Tập đoàn IUC (công ty liên kết của BGI) thay mặt liên danh hai doanh nghiệp đứng ra thực hiện mọi thủ tục vay vốn tại BIDV - chi nhánh Hà Nội.

Theo đó, số tiền mà liên danh này vay là 200 tỷ đồng, nhằm mục đích thanh toán các chi phí thực hiện dự án chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép, thuộc khu A - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tài sản đảm bảo là toàn bộ các tài sản hình thành từ Dự án hoặc toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sau khi hoàn thiện xây dựng nhà ở, các công trình xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để bảo đảm cho các khoản tín dụng tài trợ Dự án của Công ty CP Tập đoàn IUC.

Về phần dự án nói trên, dự án có tên thương mại là BGI Topaz Downtown, thuộc khu A trong tổng thể dự án Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế. Dự án do liên danh BGI - IUC làm chủ đầu tư theo quyết định chấp thuận hồi tháng 10/2020 của UBND tỉnh.

Dự án này có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồngvới diện tích gần 13,5 ha bao gồm 211 căn liền kề, shophouse và các khu vực tiện ích đi kèm. Tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý III/2023.

Ngày 12/8 vừa qua, BGI và Viettel Construction đã ký kết hợp đồng gói thầu thi công kết cấu, xây dựng thô và hoàn thiện mặt ngoài 65 căn liền kề đầu tiên của dự án.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống