Tập đoàn Masan làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm 2022?

6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm do các khoản phải thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận vẫn tăng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này có khoản nợ trái phiếu lên đến 15.000 tỷ đồng và đều không có tài sản đảm bảo.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận donh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 17.834 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của MSN đạt gần 1.215 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II của Masan
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II của Masan

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tại Tập đoàn Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp này lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm doanh thu là do tác động của việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi.

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Masan còn ghi nhận tới 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu đến từ lãi từ đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây, lên tới 516 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không phát sinh khoản doanh thu tài chính này; lãi thu từ tiền gửi, cho vay và hoạt động đầu tư đạt gần 409 tỷ đồng và doanh thu tài chính khác đạt hơn 402 tỷ đồng).

Đáng chú ý, MSN cho biết, trong kỳ, tập đoàn này đã ghi nhận khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage. Theo đó, hồi tháng 2/2022, Tập đoàn Masan đã rót 110 triệu USD để gom thêm 31% cổ phần Phúc Long, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi đồ uống này lên mức chi phối.

Masan đã mua lại cổ phần của Phúc Long Heritage
Masan đã mua lại cổ phần của Phúc Long Heritage

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu từ tài chính tăng cao đã giúp MSN bù đắp đáng kể các chi phí tài chính và chi phí khác phát sinh trong kỳ mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng.

Xét về dòng tiền kinh doanh, Tập đoàn Masan đang gặp vấn đề lớn về dòng tiền thuần khi ghi nhận âm 547.8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương gần 1.532 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm

Theo lý giải của Masan, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh bị âm là do hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng nhanh. Tính đến cuối quý 2/2022, tổng giá trị các khoản phải thu là 12.896 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 63% so với đầu năm, lên mức gần 10.831 tỷ đồng; khoản phải thu dài hạn cũng tăng thêm 187 tỷ đồng lên 2.065 tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với đầu năm.

Hàng tồn kho và các khoản phải thu gia tăng
Hàng tồn kho và các khoản phải thu gia tăng

Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại MSN cũng âm hơn 14.826 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 2.596 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 2.786 tỷ đổng.

Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Masan âm hơn 12.588 trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 3.822 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong kỳ báo cáo tài chính tại Tập đoàn Masan khi doanh nghiệp này đã gia tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền và mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo đó, tính đến cuối quý 2/2022, nợ vay bao gồm cả trái phiếu hơn 56.872 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản.

Vay, thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn
Vay, thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn

Cụ thể, nợ vay ngắn hạn tăng tới 64% so với đầu năm, từ 18.806 tỷ đồng lên hơn 30.751 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm 34% từ 39.372 tỷ đồng xuống còn 26.121 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tập đoàn Masan có hơn 15.723 tỷ đồng là nợ vay trái phiếu không có đảm bảo và gần 18.756 tỷ đồng là trái phiếu có đảm bảo.

Vì tăng cường hoạt động vay nợ (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn), do đó, tính đến cuối quý 2/2022, Tập đoàn Masan ghi nhận nợ ngắn hạn phải trả cao hơn tài sản ngắn hạn đến 15.529 tỷ đồng, tương đương cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn.

Mới đây, tại ĐHĐCĐ, Masan cũng cho biết công ty có kế hoạch lên phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 và/hoặc 2023. Mệnh giá trái Phiếu dự kiến 100.000 USD và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được phù hợp với thông lệ thị trường. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 500.000.000 USD.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Tập đoàn Masan lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống