Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thành lập công ty con là doanh nghiệp khoa học công nghệ

Công ty TNHH MTV HBIC được thành lập để triển khai và quản lý dự án 900 tỷ đồng tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình (HBIC) ở địa chỉ khu đất số Lô E2a-9, E2a-11, Khu công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình giao ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH MTV HBIC. Ông Hải được chủ động tổ chức, điều chỉnh mô hình tổ chức hoạt động Công ty nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quá trình triển khai hoạt động.

Song song với việc thành lập công ty con, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua quyết định nâng tổng vốn đầu tư cho dự án HBIC thêm 20%, từ 750 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Số vốn đầu tư này nhằm mục đích đảm bảo nguồn lực cần thiết để triển khai thành công dự án.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2021, Công ty Hòa Bình đạt doanh thu thuần 2.263 tỷ đồng, giảm so với 2.442 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 9 tỷ đồng, tăng so với mức gần 5,5 tỷ đồng quý I/2020.

Công ty có vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý I là 4.153,8 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 11.411 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ ngắn hạn của Công ty là 10.730,7 tỷ đồng, chiếm tới 94% tổng giá trị nợ phải trả.

Tài sản ngắn hạn của Công ty chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 10.394,7 tỷ đồng, nhưng trong đó Công ty có hơn 407 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thành lập công ty con là doanh nghiệp khoa học công nghệ - Ảnh 1

Điều kiện để được thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và cả hoạt động sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đó.

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ 2013; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định doanh nghiệp khoa học công nghệ, các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bao gồm:

1.Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

2.Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP, đáp ứng 1 trong 2 điều:

Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.

Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thành lập công ty con là doanh nghiệp khoa học công nghệ - Ảnh 2

 

Thùy Dương

Theo Doanh nghiệp Việt Nam