TCBS: Lợi nhuận quý 1/2021 tăng đột biến nhưng vay nợ tài chính cũng 'phình to' đáng lo ngại

Lãi ròng quý 1 tại TCBS tăng 65% - mức lợi nhuận quý 1 cao nhất trong các năm kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, vay nợ tài chính ngắn hạn tại TCBS gấp gần 3 lần cuối năm 2020, chiếm gần 3.536 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 (BCTC) với lợi nhuận khủng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại tại TCBS (Nguồn: BCTC quý 1/2021).  
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại tại TCBS (Nguồn: BCTC quý 1/2021).  
Cụ thể, kết thúc quý 1/2021, tổng doanh thu hoạt động tại TCBS đạt gần 1.026 tỷ đồng tăng 61% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu từ lãi FVTPL (lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua  lỗ/lãi) đạt gần 300 tỷ đồng tăng 98% so với cùng kỳ; các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 78% lên mức 118 tỷ đồng.

Doanh thu môi giới chứng khoán quý 1 của TCBS gấp 4 lần so với cùng kỳ 2020, gần 149 tỷ đồng. Doanh thu mảng lưu ký chứng khoán tăng 61% lên mức gần 12.672 tỷ đồng và doanh thu hoạt động tư vấn tà chính tăng 34% lên mức hơn 80 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu mảng bảo lãnh phát hành chứng khoán – mảng chiếm phần lớn doanh thu hoạt động lại gần như đi ngang, đạt gần 339 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi AFS ( lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán) lại giảm 33% xuống còn 23,5 tỷ đồng.

Về chi phí, trong quý 1/2021 hầu hết các loại chi phí tại TCBS đều tăng mạnh như chi phí thuế TNDN tăng 65% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 168 tỷ đồng; chi phí hoạt động gấp 4,2 lần lên mức 87 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động tài chính và chi phí quản lý lần lượt giảm 21% và 4%, còn gần 31 tỷ đồng và gần 67 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế tại TCBS đạt gần 843 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 674 tỷ đồng, đều tăng 65% so với cùng kỳ.

Nếu so với kế hoạch 2021 được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, công ty chứng khoán này đã thực hiện được hơn 25% mục tiêu đề ra. Mức lợi nhuận này được xem là mức lợi nhuận quý 1 cao nhất trong các năm kể từ khi thành lập

Tuy thu về lợi nhuận khủng nhưng tình hình tài chính tại TCBS lại không mấy ‘sáng sủa’.

Cụ thể, tính đến 31/3/2021, tổng tài sản tại TCBS  tăng 33% so với đầu năm, lên hơn 11.632 tỷ đồng. Nợ phải trả tại TCBS tăng vọt 85% so với đầu năm, lên mức gần 4.777 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn tăng 86% lên mức gần 4.282 tỷ đồng; nợ phải trả dài hạn tăng 77% lên mức 495 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại TCBS tăng vọt 85% so với đầu năm. (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
Nợ phải trả tại TCBS tăng vọt 85% so với đầu năm. (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
Đáng chú ý, vay nợ tài chính ngắn hạn tại TCBS gấp gần 3 lần cuối năm 2020, chiếm gần 3.536 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất tại TCBS là ngân hàng TPBank với 800 tỷ đồng; tiếp đến là ngân hàng VIB với 500 tỷ đồng. Ngoài ra, MSB cũng đang cho vay ngắn hạn 300 tỷ đồng; ngân hàng VPBank cho vay 300 tỷ đồng;…

Tính đến 31/3/2021, hệ số nợ/tổng tài sản tại TCBS ghi nhận 0,41% trong khi đầu năm chỉ ghi nhận 0,29%.

TCBS là công ty con của Ngân hàng Techcombank với tỷ lệ sở hữu 88,9%. Trong phần thuyết minh BCTC quý 1/2021, khoản vay ngắn hạn ngân hàng tại TCBS không thấy bóng dáng Techcombank.

 Vay nợ tài chính ngắn hạn của Công ty tại thời điểm này gấp 3 lần cuối năm 2020 (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
 Vay nợ tài chính ngắn hạn của Công ty tại thời điểm này gấp 3 lần cuối năm 2020 (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
Dù đạt được mức lợi nhuận lớn nhất nhì ngành nhưng TCSB cũng đã trình và được cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức.

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông đã phê duyệt phương án huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị  phát hành dự kiến tối đa 2.000 tỷ đồng dự kiến trong thời gian từ 4/2021 đến tháng 4/2022.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ