Đằng sau con số lợi nhuận khủng quý 1/2021 của doanh nghiệp ngành thép
Mới đây, HSG đã thực hiện đến 94% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả niên độ 2020-2021 chỉ sau 6 tháng kinh doanh. Thép Tiến Lên báo lãi ròng quý 1/2021 gấp hơn 30 lần cùng kỳ, Thép Thủ Đức báo lãi ròng tăng 46%,...
Doanh nghiệp ngành thép hé lộ lợi nhuận khủng
Thị trường còn chưa hết bất ngờ với khối lợi nhuận khổng lồ ngay trong năm Covid-19 hoành hành 2020 thì vừa hết quý 1/2021, một số doanh nghiệp ngành thép đã hé lộ lợi nhuận khủng.
Vừa qua, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 03/2021. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tháng 3 ước đạt 214.036 tấn, doanh thu thuần ước đạt 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 501 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế trong quý 2 niên độ tài chính 2020-2021 (01/01-31/03/2021), hãng tôn mạ lớn nhất nước ước đạt 10.841 tỷ đồng doanh thu và 834 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng gần 88% và 315% so với cùng kỳ niên độ trước.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,9% và gấp hơn 30 lần so với kết quả quý 1/2020.
Con số lợi nhuận 120 tỷ đồng trong quý 1/2021 được xem là lớn nhất trong một quý mà hãng thép này ghi nhận kể từ quý 4/2016.
Ngoài ra, CTCP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (UPCoM: TDS) vừa công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu thuần hơn 601 tỷ đồng và lãi ròng 12,8 tỷ đồng, lần lượt tăng xấp xỉ 23% và 46% so với cùng kỳ năm trước. So sánh với cùng kỳ năm trước, biên lãi gộp Thép Thủ Đức trong quý 1/2021 đã cải thiện lên mức 5,9% từ mức 5,3%.
Tại VCA, tuy lợi nhuận tăng mạnh nhưng các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đã leo lên mức 143 tỷ đồng vào cuối quý 1/2021, gấp gần 2,7 lần đầu năm (chủ yếu liên quan đến bên liên quan là Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – VNSTEEL).
Đáng chú ý, nợ phải trả tại VCA tính đến 31/3/2021 tăng 52% so với đầu năm, lên mức 138,6 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn.
Đồng thời, nợ vay ngân hàng ngắn hạn của VCA cũng tăng thêm hơn 59,8 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất tại VCA với 45,4 tỷ đồng.
Bao gồm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 79 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 221 triệu đồng và duy nhất chỉ có dòng tiền từ hoạt động tài chính đạt hơn 59,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 75,5 tỷ đồng.
Tương tự như VCA, tính đến 31/3/2021, tiền và các khoản tương tiền tại TDS giảm 34% so với đầu năm, xuống còn 67 tỷ đồng; trong khi các khoản phải thu ngắn hạn tăng 22% lên mức 174 tỷ đồng; hàng tồn kho tại TDS tăng 57% lên mức 171,5 tỷ đồng; nợ phải trả cũng tăng 32% lên mức 165 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn tăng vọt 54% lên mức 114 tỷ đồng.
Tại HSG và TLH vẫn chưa công bố BCTC nên chưa rõ hoạt động tài chính trong quý 1/2021 như nào. Tuy nhiên, trong năm 2020 dù hai doanh nghiệp này báo lãi ‘khổng lồ’ nhưng vẫn đang phải gánh những khoản nợ cả nghìn tỷ. Hệ số nợ tại HSG năm 2020 lên tới 63%; tại TLH lên tới 82%.