Thảm cảnh hơn 5.500m2 'đất vàng' của Hãng phim truyện Việt Nam: Hoang tàn, xập xệ, đóng then cài chốt nhiều năm
Tọa lạc tại đất vàng quận Tây Hồ, Hà Nội, trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam bao năm qua vẫn trong cảnh hoang tàn, xập xệ, không bóng người.
Tọa lạc tại "đất vàng" quận Tây Hồ, Hà Nội, trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam bao năm qua vẫn trong cảnh hoang tàn, xập xệ, không bóng người.
Ngày 30/3, Cục Thuế TP. Hà Nội có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam). Ông Thắng cũng là đại diện theo pháp luật của đơn vị này.
Theo đó, ông Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế. Trước đó, ngày 21/11/2023, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có quyết định về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Hãng phim truyện Việt Nam.
Hãng phim truyện Việt Nam có trụ sở tại số 4, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, thành lập năm 1953. Tháng 3/2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định về việc cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hẫng phi truyện Việt Nam. Đến năm 2015, Bộ phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp thành Công ty cổ phần.
Đến nay, sau 8 năm thực hiện cổ phần hóa, chủ nhân mới của Hãng phim truyện Việt Nam không có bất kỳ hoạt động nào trên mảnh đất đã từng làm ra những bộ phim điện ảnh kinh điển do vướng mắc về thoái vốn cùng những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên. Theo các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, 8 năm qua, các nghệ sĩ nhận thấy phía cổ đông chiến lược của công ty không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.
Hiện tại, toàn bộ khu vực của Hàng phim truyện Việt Nam đều bị bỏ trống, cửa đóng then cài với các căn phòng vị xuống cấp nghiêm trọng. Với diện tích sử dụng hơn 5.500m2 thế nhưng hiện tại nơi đây bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Hãng phim truyện Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật với các tác phẩm "huyền thoại" như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...
Trong suốt quá trình đợi thoái vốn kéo dài, doanh nghiệp không thể tiến hành bất kỳ hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất phim. Mọi hoạt động của công ty chỉ là cầm chừng, hoạt động kinh doanh không đem lại hiệu quả, gần như không có tiền để nộp thuế và thuê đất.