Thanh khoản bớt căng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về

Ngân hàng Nhà nước có 2 phiên liên tiếp hút mạnh tiền về với quy mô tới 20.000 tỷ đồng mỗi phiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và tỷ giá USD/VND biến động. Điều này chứng tỏ thanh khoản hệ thống đã giảm căng thẳng.

Thanh khoản được đảm bảo, kiềm chế lạm phát sẽ được ưu tiên trong điều hành tiền tệ.
Thanh khoản được đảm bảo, kiềm chế lạm phát sẽ được ưu tiên trong điều hành tiền tệ.

Trong phiên giao dịch 21/12, NHNN tiếp tục sử dụng công cụ tín phiếu để rút bớt thanh khoản hệ thống. Theo đó, cơ quan này đã chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 3,98%/năm. Đây là phiên thứ hai liên tiếp nhà điều hành trở lại hút bớt tiền về với mức độ lớn.

Trước đó, trong phiên giao dịch 20/12, NHNN đã sử dụng lại công cụ tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống sau hơn 1 tháng tạm dừng. Ngày 20/12, NHNN cũng chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,39%.

Đợt gần đây nhất mà NHNN sử dụng tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống diễn ra trong thời gian 15-18/11 với quy mô 40.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày và lãi suất dao động 4,5 - 6%.

Như vậy, so với đợt phát hành vào trung tuần tháng 11, đợt phát hành tín phiếu lần này của NHNN có kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất trúng thầu thấp hơn. Điều này cho thấy sự nới tay của NHNN trong việc hút thanh khoản và lượng tiền bị rút ra sẽ sớm trở lại hệ thống.

Cùng với việc mở lại kênh hút thanh khoản, NHNN tiếp tục dừng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá (OMO) 91 ngày. Ba phiên gần đây, NHNN chỉ còn sử dụng nghiệp vụ OMO 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng với quy mô đạt hơn 11.209 tỷ đồng, đồng thời có hơn 24.472 tỷ đồng các khoản vay OMO cũ đáo hạn.

Với việc đẩy mạnh hút tiền qua tín phiếu và hạn chế hỗ trợ thanh khoản qua nghiệp vụ OMO, tính từ đầu tuần đến nay, NHNN đã rút ròng ra khỏi hệ thống 53.262 tỷ đồng. Trong đó, có 40.000 tỷ qua kênh tín phiếu và 13.262 tỷ đồng qua kênh OMO đáo hạn.

Trước đó, từ 7-15/12, NHNN đã liên tục cung ứng thanh khoản kỳ hạn dài cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO 91 ngày với khối lượng đều đặn gần 3.000 tỷ đồng mỗi phiên. Tổng lượng cung ứng của NHNN cho hệ thống trong giai đoạn này đạt gần 21.000 tỷ đồng.

Động thái này diễn ra sau khi NHNN phát đi thông cáo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Sự điều chỉnh trên giúp các ngân hàng thương mại có thêm dư địa để cho vay thêm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nên áp lực thanh khoản cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng huy động đang mức thấp nhất nhiều năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc NHNN liên tiếp hút mạnh tiền về lần này chứng tỏ dấu hiệu thanh khoản hệ thống tốt. Đồng thời, đây là một công cụ chống lạm phát hiệu quả.

Xu hướng hút ròng của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 90% khối lượng giao dịch) trong phiên giao dịch 20/12 đã giảm về mức 4,04%/năm – mức thấp nhất trong 2 tháng gần đây. 

Sau khi NHNN hút mạnh tiền về, tỷ giá USD/VND cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ giá giao ngay chốt phiên 21/12 với mức 23.715 đồng/USD, giảm 55 đồng so với phiên 20/12.

Tương tự, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng cũng hạ nhiệt. Trưa 22/12, giá USD tại Vietcombankđược mua - bán ở mức 23.510 - 23.820 VND/USD, giảm 40 đồng so với chốt phiên hôm qua nhưng vẫn tăng 100 đồng so với cuối tuần trước.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá VND/USD. Do đó, ACBS dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong trong nửa đầu năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Mai Anh

Theo VietnamFinance