Thanh khoản yếu, thị trường vẫn đối mặt rủi ro
Mặc dù thị trường có tín hiệu hồi phục sau khi giảm mạnh nhưng thanh khoản vẫn yếu cho thấy rủi ro vẫn còn hiện hữu. Càng lên cao áp lực bán được dự báo sẽ càng lớn.
Sau 2 tuần điều chỉnh liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã chứng kiến sự hồi phục nhẹ về điểm số. Cụ thể, tiếp nối đà giảm cùng thanh khoản gia tăng vào cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã hứng chịu áp lực bán vào 2 phiên đầu tuần, đưa chỉ số chạm mức thấp nhất trong tuần tại mức 1.031,7 điểm.
Vào giữa tuần, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua, đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy và giúp thị trường đảo chiều tăng điểm 3 phiên cuối tuần, đưa chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ 0,4% so với tuần trước về mức 1.059,3 điểm.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,7% so với tuần trước lên mức 209,9 điểm trong khi chỉ số UPCoM-Index tăng mạnh lên mức 78,9 điểm (tăng 2,1% so với tuần trước).
Đà hồi phục của thị trường diễn ra trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tiếp tục giảm 9,5% về mức 9.999 tỷ đồng/phiên. Sau khi giá trị mua ròng giảm dần liên tiếp các tuần qua, khối ngoại đã chính thức bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tuần này (so với mua ròng 858 tỷ đồng trong tuần trước). Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng 63 tỷ đồng (tăng 31,8% so với tuần trước) trên sàn HNX-Index và 16 tỷ đồng trên sàn UPCoM-Index (so với bán ròng 29 tỷ đồng tuần trước).
Mặc dù chứng kiến xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần, đà giảm mạnh đầu tuần vẫn khiến nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có một tuần giảm điểm, bao gồm VHM (giảm 4,6%), NVL (giảm 15,3%), PDR (giảm 9,1%) và DXG (giảm 3,9%).
Trong khi đó nhóm cổ phiếu Ngân hàng có sự phân hóa mạnh khi BID (tăng 6,6%), TCB (tăng 3,2%) và CTG (tăng 1,9%) chốt tuần tăng điểm còn VCB (giảm 1,6%), VPB (giảm 1,1%) lại chứng kiến sự sụt giảm về giá.
Điểm sáng tuần qua thuộc về ngành Thép với sự tăng giá mạnh diễn ra đối với HPG (tăng 2,4%), HSG (tăng 7,6%) và NKG (tăng 12,6%).
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, dù có sự hồi phục sau khi giảm mạnh nhưng dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp.
Chuyên gia dự báo thị trường sẽ gặp thử thách trong những phiên tới khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.
"Do đó, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm và chờ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại để phòng ngừa rủi ro", ông Hinh cho biết.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng nhấn mạnh mặc dù cải thiện về mặt điểm số song thanh khoản thị trường chưa thuyết phục khi sụt giảm cả về giá trị và khối lượng giao dịch, cho thấy các phiên hồi phục mang tính chất kỹ thuật hơn là đảo chiều xu hướng.
Với việc VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần bằng cây nến Doji thể hiện sự lượng lự, Agriseco cho rằng áp lực bán sẽ có xu hướng mạnh lên trong các phiên sắp tới khi chỉ số tiến dần vào vùng cản 1.060 – 1.075 điểm. Trong kịch bản tích cực hỗ trợ 1.050 điểm được bảo toàn, chỉ số có thể vận động theo xu hướng sideway trong biên độ 1.050 - 1.075 điểm. Trái lại trong kịch bản kém khả quan, thị trường có thể quay lại xu hướng giảm trung hạn với hỗ trợ gần nhất quanh vùng 1.030 điểm.
Về xu hướng dòng tiền, Agriseco cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và hướng đến nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý với nhóm vốn hóa lớn do được khối ngoại mua ròng mạnh trong giai đoạn trước và hiện khối ngoại đang có dấu hiệu đảo chiều bán.
Trong bối cảnh rủi ro điều chỉnh còn hiện hữu, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trước quyết định giải ngân, đồng thời giữ danh mục ở vị thế tiền mặt an toàn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể quan sát một số nhóm ngành đang thu hút dòng tiền thị trường nhóm dầu khí, ngân hàng và điện.