Thành phố Hồ Chí Minh vươn ra biển
Việc các nhà quy hoạch đang hướng địa lý phát triển của TPHCM về hướng Nam, tức ra biển Đông, không chỉ là sự kế thừa tư duy mở cõi của ông cha ta và các quốc gia trên thế giới, mà còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành phố năng động.
Mấy ngày nay, mạng xã hội nóng lên với chuyện TPHCM đang hướng địa lý phát triển về phía Nam – tức hướng ra biển Đông. Người phản đối thì dựa vào các nghiên cứu cách đây hơn 40 năm để cho rằng đây là hành động đâm đầu vào “vũng lầy” vì nền móng mềm yếu,.. Người ủng hộ, lại cho đó không chỉ là sự kế thừa tư duy mở cõi của ông cha, mà còn tận dụng được thế giao lưu thủy-hải- bộ để mở ra lợi thế đa dạng hơn cho TPHCM năng động.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển đất nước cho thấy, tổ tiên ta từ vùng núi Phong Châu nhỏ, hẹp đã Nam tiến và Đông tiến, dần tiến xuống đồng bằng và miền biển mà hình thành nên một Việt Nam ngày nay.
Nhìn rộng hơn, các thành phố thương mại lớn trên thế giới đều nằm ven biển. Cho nên, việc TPHCM phát triển về phía biển không chỉ kế thừa tư duy của cha ông, phù hợp với xu thế lịch sử. Hơn thế nữa, nó còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thành phố năng động.
Bởi TPHCM sẽ gặp nhiều cái khó khi Bắc tiến, hay Đông hoặc Tây tiến. Điển hình, nếu phát triển theo hướng Đông, giáp Đồng Nai, Vũng Tàu –Bà Rịa, tuy là địa hình cao, nhưng không thuận lợi cho TPHCM cho việc xuất – nhập hàng hóa qua cảng Sài Gòn vì sẽ phải vận chuyển xuyên qua nội thành. Trong khi đó, nếu phát triển về hướng Nam, vừa “mở cửa” ra biển Đông, đồng thời cũng mở cửa tiến về ĐBSCL. Nghĩa là giao thông thủy vô cùng tiện lợi.
Mặt khác, nếu nạo vét, mở rộng, sâu thêm, ta không chỉ có hệ thống giao thông thủy thông thoáng hơn, mà còn có thêm vật liệu để nâng cao trình mặt bằng, khắc phục được độ cao. Hơn thế nữa, những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng hiện đại sẽ hỗ trợ cho các công trình an toàn trên nền đất yếu.
Nếu xây dựng thêm các khu công nghiệp, việc xử lý ô nhiễm cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, khi có bất trắc ngoài ý muốn, tác hại (nếu có) đến nguồn nước mặt cũng nhẹ hơn việc bố trí các khu công nghiệp trên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn - nguồn nước chủ yếu cung cấp nước ngọt phục vụ đời sống, sản xuất của cả TPHCM.
Mọi tác động vào thiên nhiên đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Lịch sử phát triển thành phố thương mại cho thấy sẽ hợp lý nhất nếu TPHCM vẫn phải ưu tiên hướng địa lý phát triển ra biển Đông. Vấn đề là quy hoạch sao để đô thị nhỏ không gây khó khăn hơn về môi trường cho đô thị lớn, đã có trước.