Thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ đầu tư gần 440.000 tỷ đồng làm điều này, phấn đấu thành đô thị dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế

Thành phố sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, được chia thành 5 vùng phát triển chính.

Đồ án Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/2/2023) đã xác định, mở rộng không gian đô thị về phía Bắc vịnh Cửa Lục. Theo quy hoạch, vịnh biển này sẽ trở thành trung tâm cho sự phát triển về không gian, hạ tầng xã hội và kỹ thuật, đồng thời hướng đến xây dựng một đô thị loại I chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, với mô hình phát triển đa cực cạnh tranh.

Phối cảnh quy hoạch phân khu, khu vực phía Bắc TP. Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh  
Phối cảnh quy hoạch phân khu, khu vực phía Bắc TP. Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh  

Theo đó, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, được chia thành 5 vùng phát triển chính: Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và Vùng đồi núi phía Bắc. Để cụ thể hóa các định hướng này, Hạ Long đã triển khai 15 quy hoạch phân khu dựa trên tiềm năng và lợi thế riêng của từng khu vực, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, quy chuẩn hiện hành.

Trong quá trình phát triển, TP. Hạ Long sẽ mở rộng nội thành và thành lập thêm 2 phường mới từ hiện trạng của 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất, nằm bên bờ vịnh Cửa Lục. Các xã này sẽ được tập trung nguồn lực đầu tư để nâng cấp lên phường, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Theo mục tiêu đến năm 2040, TP. Hạ Long sẽ trở thành một đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia có tầm quốc tế, gắn kết với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Thành phố hướng tới phát triển xanh, linh hoạt, thích ứng và bền vững theo mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại I trực thuộc tỉnh (sau khi sáp nhập Hoành Bồ); phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị nhanh và bền vững; phát triển đô thị Hạ Long phải phù hợp với mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các đô thị trong tỉnh, trong vùng.

Trong tương lai, TP. Hạ Long sẽ trở thành một đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia có tầm quốc tế  
Trong tương lai, TP. Hạ Long sẽ trở thành một đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia có tầm quốc tế  

Mục tiêu trên sẽ được triển khai trong 3 giai đoạn để mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn theo hướng phát triển đô thị tầm cỡ quốc tế, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, đồng thời tạo nguồn lực và động lực mới đột phá phát triển. Cụ thể như sau:

Trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), thành phố sẽ triển khai rà soát để điều chỉnh hoặc lập mới tất cả các quy hoạch phân khu làm cơ sở quản lý quy hoạch, phát triển đô thị; xây dựng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị; hoàn thiện các tuyến trục giao thông chính của đô thị và nút giao nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven Vịnh Cửa Lục; nâng cấp mở rộng QL18; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân, đoạn đi qua địa bàn thành phố; xây dựng Bến xe khách Bãi Cháy, Miền Đông.

Thành phố cũng xây dựng các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, như bổ sung hệ thống hạ tầng thoát nước, kè chống sạt lở khắc phục các điểm ngập lụt và sạt lở trong đô thị, nâng cấp các tuyến đê kè ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng hạ tầng du lịch của các khu du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu; xây dựng nhà tang lễ tại phường Cao Xanh.

Đồng thời, thành phố ưu tiên phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực của đô thị, như hoàn thiện Khu tổ hợp Công viên Đại dương Sun World, đảo du lịch quốc tế Tuần Châu; Khu phức hợp Hạ Long Xanh; xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hạ Long; tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm, Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu du lịch nghỉ dưỡng trong rừng và du lịch mạo hiểm.

Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực của đô thị  
Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực của đô thị  

Trong giai đoạn 2 (2026-2030), Hạ Long sẽ hoàn thành xây dựng các khu vực sản xuất, như công nghiệp, khu du lịch, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ, tiếp tục triển khai các khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, khu nhà ở chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị…, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đô thị, từng bước xây dựng Đề án đô thị thông minh.

Giai đoạn này, thành phố tiếp tục chỉnh trang các khu dân cư và các công trình công cộng hiện hữu, hoàn thiện các tuyến đường theo quy hoạch được duyệt, bổ sung tiện ích công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, nâng cao chất lượng không gian ven biển.

Song song với đó, thành phố huy động các nguồn lực ngoài nhà nước nhằm triển khai các khu du lịch mới, như Tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp Hoành Bồ, phát huy các giá trị di tích thắng cảnh, văn hóa lịch sử tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Tổ hợp dịch vụ thương mại tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Trung tâm thể thao khu vực và công viên chuyên đề, sinh thái tại khu vực Hoành Bồ, Thống Nhất.

Cùng với đó, Hạ Long sẽ phát triển dần các dự án du lịch cho các xã phía Bắc nhằm tận dụng tối đa khai thác tiềm năng du lịch khu vực này để kết nối tuyến du lịch vịnh Hạ Long và quy hoạch khai thác các mỏ than đã hoàn nguyên để trở thành điểm du lịch hấp dẫn mới lạ.

Trong giai đoạn 3 (2031-2040), thành phố sẽ phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp, hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế. Từ đó, đưa TP. Hạ Long phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đưa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP. Hạ Long dự kiến đầu tư hơn 438.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2040 cho các dự án phát triển đô thị.

TP. Hạ Long được thành lập năm 1993 trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã Hồng Gai và đã trở thành thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tháng 12/2019, sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ, Hạ Long đã trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích và quy mô dân số.

Vĩ Hạ

Theo Chất lượng và Cuộc sống