Thay đổi quyết định giao đất KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5: Hợp lý và hợp pháp
Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại 182ha đất dự án khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5 của UBND.TP Hà Nội được thực hiện đúng theo pháp luật, không phải là một quyết định “bất thường” như nhiều phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa ký Quyết định 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3123 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây.
Cụ thể, tại quyết định này, UBND TP. Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định 3128 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi hơn 182ha đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5).
Sau khi nhận quyết định này, xuất hiện một số luồng du luận trái chiều. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết, quyết định này được đưa ra dựa trên các căn cứ cụ thể theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc dự án này đã được giao đất 12 năm nhưng đến hiện tại vẫn mới chỉ rục rịch triển khai cũng là một trong những điều cần quan tâm.
Chính nhà đầu tư dự án yêu cầu đổi tên
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, quyết định điều chỉnh nói trên dựa trên căn cứ của pháp luật chứ không phải muốn là được.
Cụ thể, tại quyết định 5269, UBND TP đã nêu rõ lý do điều chỉnh là căn cứ theo quyết định 963 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 tại huyện Thanh Oai.
Bên cạnh đó, quyết định còn dựa trên đề nghị của các cơ quan chức năng trong đó có cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (Cienco 5) tại văn bản số 05 ngày 24/3/2020 và văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục Quản lý đất đai.
Thực tế, dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 là dự án đối ứng hoàn vốn giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng đường Trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007. UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) là nhà đầu tư thực hiện dự án, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Còn Cienco 5 Land là đơn vị được thành lập để thực hiện các dự án hoàn vốn của Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) chứ không phải chủ đầu tư dự án.
Giai đoạn 1 của dự án đã được hoàn thành cùng với khu đô thị đối ứng Thanh Hà A, B - Cienco 5. Nay dự án này đã thuộc về Tập Đoàn Mường Thanh thông qua việc, đơn vị này cũng đã bỏ khoảng 1.500 tỷ đồng mua 95% cổ phần Cienco 5 Land hồi giữa năm 2016.
Giai đoạn 2 của dự án (từ Km19+900 - Km41+500) có chiều dài 21,6km, với quỹ đất đối ứng là Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng, tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội), quy mô 182ha, tổng vốn đầu tư 3.829 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đầu tư giai đoạn 2 đã bị UBND Hà Nội tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đến nay.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, từ giữa năm 2016, Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết số 784/NQ-TCT5 xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn (Dự án) với tư cách là nhà đầu tư/chủ đầu tư Dự án. Đồng thời, xem xét trách nhiệm pháp lý của Cienco 5 và trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dự án có dấu hiệu làm thất thoát vốn Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước.
Theo đó, Nghị quyết thống nhất chủ trương dừng hoạt động của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land đối với Dự án Đầu tư BT đường trục Nam Hà Tây (cũ) và các dự án đối ứng Thanh Hà Cienco 5 A, B, Cienco 5 - Mỹ Hưng. Bên cạnh đó, Tổng công ty với vai trò là nhà đầu tư dự án BT và là chủ đầu tư dự án đối ứng sẽ trực tiếp triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, rõ ràng, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP. Chính Công ty này đã đề nghị lên UBND TP đổi tên người sử dụng đất tại dự án, bởi lúc này, Cienco 5 Land đã không còn là doanh nghiệp dự án như 12 năm về trước. Do đó, quyết định điều chỉnh của UBND TP là không có gì để bàn cãi.
Về Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5, đây cũng là chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà vướng lùm xùm với hàng loạt sai phạm trong thời gian vừa qua.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội chủ đầu tư xây dựng công viên nước Thanh Hà là Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng, vi phạm luật Xây dựng năm 2014.
Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên đất không quy hoạch công viên nước (quy hoạch phê duyệt là đất công cộng thành phố và đất cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở), sử dụng đất không đúng mục đích vi phạm luật Xây dựng 2014, luật Đất đai 2013.
Luật sư: Tôi ủng hộ quyết định của Hà Nội!
Chia sẻ với Reatimes về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Sỹ Anh, chuyên gia pháp Công ty Luật L&P nhìn nhận, khi đưa ra quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án nói trên, đồng nghĩa với việc TP. Hà Nội sẽ căn cứ vào các văn bản của Sở Tài Nguyên và Môi trường trong việc làm rõ tư cách chủ sở hữu của dự án hiện tại. Điều này bắt buộc phải căn cứ trên rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau và trong số những văn bản pháp luật đó các đơn vị chức năng còn căn cứ trên thực trạng, thực tế của dự án hiện tại đang là do chủ đầu tư nào sở hữu.
“Tôi ủng hộ quyết định của Hà Nội. Việc này xét thực tế là việc hoàn toàn hợp lý, xét về pháp lý cũng hoàn toàn hợp pháp. Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013 có đầy đủ quy định để xác định tư cách chủ sở hữu mới thay thế cho chủ sở hữu cũ khi có một trong những biến đổi về tư cách thông qua dự án đó”, vị chuyên gia nói.
“Thông qua hình thức này sẽ hình thành những chủ sở hữu mới của những nhà đầu tư mới khi họ mua cổ phần của những nhà đầu tư cũ đã được cấp giấy tờ. Lúc này, các bên phải thực hiện việc chuyển đổi chủ sở hữu”, vị này nói.
Cũng theo luật sư Sỹ Anh, việc chứng nhận quyền sử dụng đất là chủ đầu tư cũ nhưng thực tế dự án đã có chủ đầu tư mới thay thế nhưng không được đứng tên giấy tờ đó là hoàn toàn chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, việc đưa ra quyết định điều chỉnh quyết định giao đất trước đó là cần thiết.
Mặt khác, khi khách hàng mua dự án mua phải của chủ đầu tư cũ, mà hai chủ đầu tư mới – cũ không triệt để làm việc với nhau trong khâu mua bán dự án thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyền lợi của khách hàng.
Cụ thể, việc xác lập quyền đối với bất động sản của khách hàng khi nộp đơn lên cơ quan Nhà nước sẽ lâu hơn, phức tạp hơn, do tư cách của chủ đầu tư mới và chủ đầu tư cũ chưa được giải quyết dứt điểm. Bởi đơn vị nộp hồ sơ quyền sử dụng đất cho khách hàng chính là người có tư cách chủ đầu tư thực tế của dự án đó phải khớp với tư cách pháp lý được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chưa kể, giá bất động sản có thể bị biến đổi theo thời gian do đã thay đổi chủ đầu tư. Các tiện ích xung quanh và công trình xung quanh dự án có thể bị thay đổi từ chủ đầu tư cũ sang chủ đầu tư mới theo hướng bớt đi hoặc thay đổi cấu trúc khu vực đó.
“Do đó, thông qua câu chuyện này, TP. Hà Nội nên rà soát lại toàn bộ vấn đề chủ sở hữu thực sự của dự án để chuyển đổi. Bởi chủ đầu tư nào là chủ đầu tư thực tế và hiện tại họ sở hữu dự án thì đó mới là chủ đầu tư đủ tư cách pháp lý đứng trên giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất”, vị luật sư nói.