Thấy gì từ "tham vọng" xây cao ốc của Tập đoàn EverLand tại Vân Đồn?
EverLand được nhiều người biết đến là một doanh nghiệp của ông Lê Đình Vinh – lãnh đạo cũ của FLC, nhiều năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Mới đây, EverLand nổi lên trên thị trường bất động sản với dự án cao ốc Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại Quảng Ninh.
Tham vọng vào địa ốc của EverLand Group
Mới đây, Tập đoàn Everland (Everland Group) đã ký kết thỏa thuận với Delta Group thi công dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại Quảng Ninh. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Everland Vân Đồn – công ty con của Everland Group.
Theo tìm hiểu, dự án cao ốc Crystal Holidays Harbour Vân Đồn được triển khai tại Lô M1 - Khu đô thị Du lịch và Bến cảng cao cấp Ao Tiên nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Dự án gồm 5 tòa khách sạn và căn hộ du lịch với tổng cộng trên 2.700 phòng lưu trú và có tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, Everland Group đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Dự án đang triển khai thi công phần hầm công trình và dự án dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024.
Được biết, đây là một những những dự án trọng điểm mà ĐHĐCĐ 2022 của EverLand Group nhắc tới. Cụ thể, trong năm 2022, công ty dự kiến phát hành 90 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, số tiền thu được dự kiến 900 tỷ đồng. Trong đó, Everland có kế hoạch phân bổ 550 tỷ đồng cho CTCP Everland Vân Đồn để thực hiện Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn. 185 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động và 165 tỷ đồng để trả nợ cho các nhà cung cấp.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Everland sẽ tăng từ 2.152,5 tỷ đồng lên 3.052,5 tỷ đồng. Đối với Everland Vân Đồn, Everland sẽ cho công ty con này vay 550 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm.
Ngoài dự án cao ốc Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, EverLand còn thực hiện nhiều dự án thuộc mảng BĐS nghỉ dưỡng, du lịch, khu vui chơi giải trí.
Cụ thể, Đối với dự án Crystal Holidays Marina Phú Yên, đã hoàn thành cơ bản đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thành lập, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500, hoàn thành thẩm định phòng cháy chữa cháy, phê duyệt thiết kế cơ sở kỹ thuật, đã động thổ vào tháng 4/2021.
Về tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay, đã tiến hành giải phóng mặt bằng 95% diện tích, hoàn thành khảo sát địa chất, thiết kế, kiến trúc, dự án đã được động thổ tháng 4/2021, hiện đang tiến hành thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở để trình cấp phép, dự kiến khởi công trong quý II năm nay.
Về Tổ hợp đô thị du lịch Flower World Sa Đéc, đã hoàn thành lập, báo cáo ý tưởng quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương cho Everland lập quy hoạch, đề xuất và thực hiện dự án. Hiện, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, đang lập quy hoạch 1/500 trình phê duyệt, đồng thời lập thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số hạng mục của dự án thành phần.
Dự án này có quy mô 380 ha, gồm 5 phân khu, đang xúc tiến để triển khai 2 phân khu ngay trong năm 2022.
Về Tổ hợp vui chơi giải trí Everland Park, hiện đã hoàn thành 90% diện tích thỏa thuận đền bù của dự án. Trong năm 2021, chủ đầu tư đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa để điều chỉnh quy hoạch phân khu, mở rộng quy mô dự án lên 285 ha.
Người đứng sau EverLand là ai?
Tập đoàn EverLand được thành lập từ năm 2009 từ một công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2011, Everland mở rộng sang lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các chủng loại vật liệu cao cấp. Ngày 26/05/2017, cổ phiếu của công ty được Niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán là EVG.
Hiện tại, ông Lê Đình Vinh là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn và được bổ nhiệm từ 28/4/2022. Ông tốt nghiệp Tiến sỹ Luật - Chuyên ngành Luật Thương mại và Kinh tế Quốc tế tại Trường Đại học Tổng hợp Kyushu (Nhật Bản). Hiện ông Vinh đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland.
Trước khi vào Tập đoàn, ông Vinh từng công tác ở Trường ĐH Luật Hà Nội là giảng viên khoa Pháp luật-Kinh tế; Phó trưởng Ban Thư ký Lãnh đạo Bộ Tư pháp; Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC Hà Nội. Đáng chú ý, ông từng có 5 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (giai đoạn 2010-2014).
Ông đầu quân Tập đoàn Everland từ năm 2019 và giữ chức vụ Tổng Giám đốc cho đến khi ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT.
Việc Everland Group rót hàng trăm tỷ đồng vào khởi động dự án tại Vân Đồn cho thấy tham vọng của doanh nhân Lê Đình Vinh. Ngoài dự án trên, ông Lê Đình Vinh còn sở hữu cổ phần tại một “siêu dự án” khác tại Vân Đồn là Dự án con đường di sản Vân Đồn. Chủ đầu tư Dự án Con đường di sản Vân Đồn là Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road (Vân Đồn Heritage Road) có vốn điều lệ 980 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là Công ty Cổ phần Heritage Holdings sở hữu 68% cổ phần.
Ông Lê Đình Vinh là người đại diện pháp luật và là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị của Vân Đồn Heritage Road. Tại Heritage Holdings, ông Vinh cũng là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc kiêm và nắm giữ 22% cổ phần.
Dự án này có quy mô hơn 3.000 ha, được chia thành 9 phân khu. Trong đó điểm nhấn là tòa cao ốc 88 tầng (tháp chữ V), quy mô 3.061 phòng. Đây là tòa tháp cao nhất trong tổng thể quy hoạch, được coi là biểu tượng của một siêu dự án được ví như là “nơi tái hiện lại thương cảng Vân Đồn và thể hiện sự phát triển vượt bậc của Vân Đồn”.
Tiềm lực tài chính của EverLand Group tới đâu?
Mới đây, EverLand Group đã công bố báo cáo tài chính quý II, trong đó, doanh thu thuần về bán hàng đạt 392 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 8.7 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 12.7 tỷ đồng kéo theo Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 10.2 tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù doanh thu tài chính đạt 6.7 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại âm hơn 11 triệu đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Everland Group chỉ đạt 15 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022, còn số này còn thua xa. Theo kế hoạch, năm 2022, Everland Group đặt mục tiêu đạt hơn 78 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Báo cáo tài chính của Everland Group cũng cho thấy, đến cuối quý II/2022, chi phí xây dựng cở bản dở dang của Crystal Holidays Harbour Vân Đồn vào khoảng 331 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của tập đoàn.
Dòng tiền kinh doanh tại thời điểm quý II tiếp tục âm nặng, trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 724.6 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 970.8 tỷ đồng.
Trước đó, tài kỳ báo cáo tài chính quý I/2022, bị âm nặng ở lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, gần 31.4 tỷ đồng. Mặc dù có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021 320.4 tỷ đồng) nhưng dòng tiền đầu tư lại âm nặng hơn 1.265 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 là 339.7 tỷ đồng.
Còn tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 23.8 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 đạt 19.4 tỷ đồng. Mặc dù có lãi nhưng lưu chuyển dòng tiền đầu tư luôn âm, năm 2020 âm 28.5 tỷ đồng, năm 2021, tiếp tục âm nặng đến gần 65.5 tỷ đồng.
Với bức tranh kinh doanh màu xám, liệu Everland Group có đủ năng lực để thực hiện nhiều dự án nghìn tỷ?