Gặp khó về dòng tiền, Tập đoàn EverLand lấy tiền đâu để làm loạt dự án nghìn tỷ?
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn EverLand, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp khá “èo uột”, trong khi đó dòng tiền đầu tư lại liên tục âm, kế hoạch huy động vốn cũng gặp khó khăn khi giá cổ phiếu giảm tới hơn 71% so với mức lập đỉnh hồi đầu năm 2022. Vậy, loạt dự án nghìn tỷ của EverLand sẽ như thế nào?
Trúng thầu hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng
Tập đoàn EverLand (EVG) được biết đến là một doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Một trong những dự án phải kể đến là dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn do Công ty cổ phần EverLand Vân Đồn - công ty con do Công ty cổ phần Tập đoàn EverLand sở hữu 60% vốn bắt đầu triển khai xây dựng giai đoạn 2 trong năm nay.
Được biết, dự án này nằm trên khu đất rộng 26.020m2, quy mô gồm 5 tòa khách sạn và căn hộ lưu trú có chiều cao từ 27 đến 34 tầng và 1 tòa Trung tâm hội nghị quốc tế cao 3 tầng. Vốn đầu tư của dự án là 3.611,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 750 tỷ đồng và số còn lại là vốn huy động.
Tại dự án này, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt bảng tiến độ tổng thể thực hiện dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm các thủ tục pháp lý đầu tư và công tác chuẩn bị thi công sẽ được hoàn thành vào ngày 31/12/2021. Giai đoạn 2 bao gồm thi công xây dựng, nghiệm thu và đưa vào kinh doanh sẽ được thực hiện từ ngày 30/4/2022 đến ngày 30/2/2025.
Theo nguồn tin từ Petrotimes, trước đó vào tháng 3/2021, EverLand đã hoàn tất chào bán 45 triệu cổ phiếu ra công chúng thu về hgần 450 tỷ đồng, trong đó có gần 207 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành dùng để góp vốn cho EverLand Vân Đồn.
Tiếp đến trong tháng 4, EverLand lại tiếp tục công bố góp thêm vốn cho EverLand Vân Đồn thông qua việc mua 24/40 triệu cổ phiếu do EverLand Vân Đồn phát hành thêm. Mục đích của các lần bổ sung vốn cho EverLand Vân Đồn nhằm đầu tư dự án nghỉ dưỡng nói trên.
Ngoài dự án trên, Tập đoàn EverLand cũng đang đầu tư 2 dự án tại Phú Yên là Crystal Holidays Marina Phú Yên và Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay. Được biết, cả 2 dự án có quy mô 37 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, nằm trong quần thể đô thị du lịch, dịch vụ hơn 500 ha tại Nam Sông Cầu.
Bên cạnh đó, Everland cũng đang đầu tư một dự án tại Châu Đốc, An Giang là The New City. Dự án này có quy mô 106,7 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đây là dự án mà Tập đoàn Everland và Tập đoàn Thiên Minh hợp tác triển khai
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, Everland đã có đề xuất dự án “khủng” tại TP Sa Đéc và được UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý cho Tập đoàn Everland đề xuất Dự án “Tổ hợp Đô thị - Du lịch Flower World Sa Đéc” tại Văn bản số 508/UBND-ĐTXD.
Đến tháng 3/2022, Tập đoàn EverLand đã báo cáo lần cuối về ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án “Tổ hợp đô thị - Du lịch Flower World Sa Đéc” sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành của tỉnh. UBND thành phố Sa Đéc nhất trí thông qua toàn bộ ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án.
Dự án Tổ hợp đô thị - du lịch Flower World Sa Đéc có quy mô hơn 363 ha, tọa lạc tại phía Tây Bắc khu trung tâm TP Sa Đéc thuộc địa phận 02 xã: Tân Quy Tây, Tân Phú Đông và phường An Hòa.
Theo đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư, Dự án được định hướng phát triển thành khu chức năng đô thị và du lịch, kết hợp với thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí chất lượng cao, phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của TP Sa Đéc đến năm 2030 tầm nhìn 2040 và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Dự án bao gồm các hạng mục về du lịch, dịch vụ phong phú như: khu làng thương mại, mua sắm, khu vui chơi, khu trải nghiệm, công viên hoa, khu du lịch sinh thái, khu nhà ở liền kề, shophouse, biệt thự cao cấp dành cho người có thu nhập cao, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà hàng…
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Everland đã triển khai hàng loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bức tranh tài chính với gam màu xám của doanh nghiệp đang khiến nhiều người lo lắng, Everland sẽ lấy tiền đâu làm những dự án này?
Dòng tiền đầu tư liên tục âm, kế hoạch huy động vốn có nguy cơ đổ bể
Để thực hiện các dự án nghìn tỷ, năm 2021, Tập đoàn Everland đã phát hành 40 nghìn cổ phần phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Dự thu 400 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng.
Vào đầu tháng 1/2022, Everland đã thông báo phát hành hơn 110 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và trả cổ tức năm 2020. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ doanh nghiệp ước tính sẽ tăng thành 2.152,5 tỷ đồng.
105 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được công ty phát hành ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phần, số tiền thu được dự kiến là 1.050 tỷ đồng. Trong đó, công ty sẽ dùng 85 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn lưu động; 415 tỷ đồng để góp vốn cổ phần tăng vốn điều lệ và nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Đài Bay (200 tỷ đồng) và tại CTCP Everland Phú Yên (215 tỷ đồng).
Ngoài ra, công ty cũng sẽ dùng 550 tỷ đồng còn lại từ phát hành cổ phiếu để góp vốn hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Bất động sản Thiên Minh để làm Khu đô thị The New City tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Tại ĐHĐCĐ thường niên EVG diễn ra hồi tháng 4 năm nay, EVG cũng đã thông qua nghị quyết về việc phát hành tăng vốn điều lệ thêm 900 tỷ đồng (tương dương 90 triệu cổ phiếu) theo hình thức phát hành riêng lẻ, thời gian thực hiện trong năm 2022.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh) hiện đang được triển khai xây dựng và một phần bổ sung nguồn vốn lưu động.
Tuy nhiên, cổ phiếu của EVG từ đầu năm tới nay liên tục lao dốc, dự báo hoạt động tăng vốn khó thực hiện được. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6, thị giá EVG ở mức 5.190 đồng/cổ phiếu, giảm tới hơn 71% so với đỉnh giá hồi đầu năm nay.
Xét về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 23.8 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 đạt 19.4 tỷ đồng. Mặc dù có lãi nhưng lưu chuyển dòng tiền đầu tư luôn âm, năm 2020 âm 28.5 tỷ đồng, năm 2021, tiếp tục âm nặng đến gần 65.5 tỷ đồng.
Tại bản báo cáo tài chính quý I năm 2022, EverLand tiếp tục bị âm nặng ở lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, gần 31.4 tỷ đồng. Mặc dù có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021 320.4 tỷ đồng) nhưng dòng tiền đầu tư lại âm nặng hơn 1.265 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 là 339.7 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp ở mức đáng báo động. Nếu xét về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.
Với bức tranh kinh doanh màu xám thì liệu Tập đoàn EverLand có đủ năng lực để cùng lúc thực hiện loạt dự án trị giá nghìn tỷ?