Thêm 2.300 tỷ đồng được 'bơm' cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Chiều 4/10, dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với tổng số vốn cam kết cho vay là 2.300 tỷ đồng.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là dấu mốc quan trọng nhằm xác định cụ thể nguồn vốn tín dụng trong mô hình PPP++ do Tập đoàn Đèo Cả đưa ra nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện dự án là khả thi.
Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ các bài toán khó về vốn tại các dự án PPP có doanh thu và lưu lượng thấp.
Trên cơ sở thẩm định và thông báo cấp tín dụng tài trợ vốn cho dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh ngày 6/8/2024, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đặc biệt năng lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, ngân hàng VPBank đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với tổng số vốn cam kết cho vay là 2.300 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, ở dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, mô hình đa dạng hoá nguồn huy động vốn (PPP++) đang được Tập đoàn Đèo Cả triển khai thành công, trong đó là sự ủng hộ của cơ chế chính sách; tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư, ngân hàng; niềm tin cam kết đối với người dân hai tỉnh.
“Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực rất nhiều nhằm tiến hành các bước đề xuất, nghiên cứu ròng rã 7 năm qua để theo đuổi khả thi triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Việc ký kết hợp đồng này không chỉ là cam kết trên giấy mà sẽ được thực hiện trên thực tế, sớm giải ngân nguồn vốn theo tiến độ để thực hiện theo kế hoạch,” ông Hoàng nói.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết nhiều năm qua, Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh miền núi khó khăn của cả nước, bởi giao thông còn nhiều hạn chế, đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở.
Để Cao Bằng phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, ông Minh cho rằng không có cách nào khác ngoài việc phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Tuyến đường này sẽ nối liền “mạch máu” kinh tế từ Thủ đô Hà Nội đến miền biên viễn phía Bắc, nơi phên dậu của Tổ quốc, là khát vọng của toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cũng là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Khẳng định cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, là công trình giúp Cao Bằng “kết nối để vươn xa”, ông Minh tin rằng khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ là tuyến đường kiểu mẫu, mang đậm bản sắc văn hóa Đông Bắc, không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.
Theo Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng, kể từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 1/1/2024 đến nay, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công dự án; đặc biệt đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương nơi công trình đi qua.
Mặc dù đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để được dự án được thực hiện, tuy nhiên, tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, với địa hình, địa chất phức tạp, suất đầu tư thấp (khoảng 150 tỷ đồng/km, so với cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 khoảng 186 tỷ đồng/km). Do đó, các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan quan tâm đồng hành sát sao với địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
“Lễ ký kết này là dấu mốc cụ thể hoá nguồn vốn tín dụng cho dự án. Sự đồng hành của tổ chức tín dụng góp phần đảm bảo thành công cho dự án, mở ra cơ hội phát triển kinh tế dài hạn cho vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc,” ông Minh nhấn mạnh.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này đánh giá nguồn vốn tín dụng 2.300 tỷ đồng không phải là con số lớn so với các dự án PPP mà Bộ GTVT đang triển khai. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và ngân hàng VPBank chính là một bước tiến quan trọng, khẳng định sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.
"Sự tham gia nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng VPBank sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp dự án và nhà thầu triển khai thi công dự án liên tục, không bị gián đoạn", lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư với chiều dài hơn 93km, vốn đầu tư 14.331 tỷ đồng, được khởi công ngày 1/1/2024 và thời gian hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán năm 2026.
Tuyến đường có điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2026, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Sau lễ khởi công vào hồi đầu năm, UBND tỉnh Cao Bằng đã phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh”. Đến nay, công tác GPMB tỉnh Cao Bằng đạt 35,36/41,55km tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công.
Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, công tác GPMB đến nay đạt 16,16/51,8 km (tương đương 31,2%). UBND hai tỉnh đang phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tiến độ GPMB, quyết tâm hoàn thành công tác GPMB trong năm 2024.
Toàn dự án hiện đã huy động 847 nhân sự, 284 máy móc thiết bị, triển khai 25 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ thi công hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào thiết kế, thi công và quản lý để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả dự án.
Hiện dự án đã được giải ngân 297 tỷ đồng/9.800 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; hơn 300 tỷ đồng/1.813 tỷ đồng vốn nhà đầu tư và nhà thầu thi công.
Để hoàn thành và đưa dự án vào vận hành khai thác trong năm 2026, điều kiện tiên quyết các nguồn vốn phải được khơi thông và các bên liên quan phải giải ngân đáp ứng tiến độ của dự án.