Thêm 'thành phố Tây Bắc' ở Củ Chi-Hóc Môn: Tính kỹ...

Nhiều thành phố trong một thành phố có thể dẫn tới nguy cơ

Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý gửi đến UBND TP. HCM về việc đánh giá đồ án quy hoạch chung của thành phố. Trong đó, HoREA đề nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM cần đảm bảo thực hiện phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới và chỉnh trang tái phát triển đô thị đối với các khu vực đô thị hiện hữu.

Đồng thời, cần định hướng phát triển "đô thị nén", chủ yếu là phát triển các tòa nhà phức hợp cao tầng, nhà chung cư cao tầng, để sử dụng quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả, dành nhiều không gian mặt đất cho giao thông, các công trình dịch vụ, thương mại, tiện ích đô thị.

Đáng chú ý, HoREA đề nghị UBND TP. HCM nghiên cứu bổ sung quy hoạch thành phố Tây Bắc trên cơ sở không gian huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn hiện nay, để định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ngày 8/2/2021, bàn với Đất Việt trước đề xuất của HoREA, TS Nguyễn Trường Giang - Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển bền vững cho rằng, việc thành lập thành phố trong thành phố là xu thế tất yếu của một xã hội phát triển. Mỗi tỉnh thành cần phải có một trung tâm hành chính, kinh tế. Điều đó cũng giống như mỗi đất nước cần có một thủ đô.

Thêm 'thành phố Tây Bắc' ở Củ Chi-Hóc Môn: Tính kỹ... - Ảnh 1
TP. HCM chưa cần thiết phải có "thành phố Tây Bắc".

Tuy nhiên, ông Giang lưu ý việc phát triển thành phố trong thành phố là cần thiết nhưng không được quá lạm dụng mà tạo ra tiền lệ xấu, có thể dẫn tới việc loạn quy hoạch dẫn tới sự không đồng nhất.

"TP. HCM hiện nay đã có TP. Thủ Đức gộp từ 3 quận khác nhau, khu vực này sẽ là điểm nhấn cho TP. HCM trong tương lai. Với sự phát triển của TP. HCM như hiện tại thì chưa cần đến một thành phố thứ 2 trong lòng địa phương này.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển quy hoạch TP. HCM đã có, tầm nhìn đến năm 2050, nếu có thêm một thành phố khác và thay đổi lại quy hoạch thì sẽ khó mang tính đồng bộ, thống nhất chung cho cả vùng nên việc thành lập thành phố Tây Bắc ở thời điểm hiện tại, thậm chí trong vòng 20 - 30 năm tới là chưa cần thiết" - ông Giang bày tỏ.

Vị chuyên gia quy hoạch này cũng thừa nhận, hiện nay đang có trào lưu xin thành lập thành phố trong thành phố. Sau TP. Thủ Đức là đến Thủy Nguyên - Hải Phòng, hay tại Thừa Thiên - Huế.

"Thành phố trong thành phố như đang trở thành một trào lưu. Cái mác thành phố dễ gây thiện cảm với các nhà đầu tư theo tên gọi mỹ miều nhưng quan trọng nhất vẫn là nội lực bên trong, đến từ cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển... thay vì thành lập thành phố thì chỉ cần thay đổi những điều đó thì mới bền vững được" - ông Giang bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Khắc Thành - chuyên gia bất động sản cho rằng, thông tin phát triển hành chính, hạ tầng, chính sách luôn tác động tới thị trường bất động sản một cách gần như ngay tức khắc.

Thế nhưng, người dân và cơ quan quản lý cần tỉnh táo để tránh những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra. Nhìn vào lý do mà HoREA đưa ra để đề xuất thành lập "thành phố Tây Bắc", ông Thành cũng chưa hiểu vì sao lý do này lại được sử dụng cho kến nghị mà HoREA đưa ra.

"Tình trạng ngập úng là vấn đề lớn của TP. HCM, nhiều chính sách cũng được thành phố này đưa ra để giải quyết nhưng chưa có hiệu quả lớn. Một trong những lý do khiến việc giải quyết ngập úng gặp khó là tốc độ đô thị hóa của TP. HCM tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Các công trình nhà cao tầng mọc lên như nấm, hạ tầng giao thông, thoát nước không đáp ứng được việc tiêu thoát nước, còn diện tích ao hồ đang bị thu hẹp...

Nếu thành lập thành phố Tây Bắc chắc chắn mật độ đô thị hóa tại vùng đó cũng sẽ tăng lên. Như vậy, không những không giải quyết được ngập úng mà còn làm tăng thêm nguy cơ ngập cục bộ lớn hơn cho TP. HCM sau này vì hiện 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn vẫn đang là nơi thoát nước của TP. HCM" - ông Thành bày tỏ.

Vì vậy, ông Thành cho rằng, kiến nghị thành lập "thành phố Tây Bắc" khiến xuất hiện những vấn đề tiêu cực, tạo tiền đề cho hành vi thổi giá bất động sản khiến thị trường phát triển không bền vững.

Ngọc Thanh

Theo Đất Việt