Thị trường bất động sản đang được “hậu thuẫn” bởi vĩ mô?

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng ngành bất động sản sẽ tích cực hơn nhờ các yếu tố như lãi suất đã về mức hấp dẫn, sự hoàn thiện hệ thống pháp lý, có thêm động lực phục hồi từ dòng tiền đầu tư kiều hối.

 

TS. Nguyễn Văn Đính.
TS. Nguyễn Văn Đính.

Trong một chia sẻ mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, từ đề lớn nhất của thị trường bất động sản từ trước tới nay là việc tắc nghẽn ở khâu pháp lý, từ định giá đất, quy hoạch cũng như thủ tục cấp phép khiến cả nghìn dự án bị đình trệ trong nhiều năm, dòng tiền bị “chôn” trong đất, trong khi cầu về nhà ở tăng mạnh khiến cho những bất ổn của thị trường lan rộng. Việc sửa đổi luật và đẩy nhanh tiến trình áp dụng luật mới là điều rất cần thiết, bởi lẽ sẽ tháo gỡ các vướng mắc trước đây một cách triệt để.

Tuy sẽ cần một quá trình dài để các quy định thực sự thẩm thấu vào thị trường cũng như các quy định hướng dẫn sẽ còn phải cân đối, điều chỉnh dần trong quá trình triển khai, nhưng trước mắt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi khuôn khổ pháp lý mới ban hành. Quy định mới cởi mở hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn sẽ tạo ra một sân chơi mới chuyên nghiệp hơn, lành mạnh hơn và có nhiều cơ hội hơn.

Từ các luật có hiệu lực, với mỗi dự án, doanh nghiệp sẽ biết sai ở đâu để sửa, chính quyền cũng sẽ biết sai ở đâu và sửa, để cấp phép cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Hiện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, chính quyền vui mừng về luật có hiệu lực để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhưng kèm theo đó cũng sẽ có những lo âu.

Khách hàng cũng vui mừng vì hiểu được luật ban hành sẽ rất minh bạch, khi tham gia các dự án không lo rủi ro, không lo về dự án đang thi công giữa chừng phải dừng lại, không lo dự án hoàn thiện nhưng không được cấp sổ.

Còn ở góc độ ngược lại, luật ban hành tạo ra sự công bằng, minh bạch, hướng tới chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn, từ đó, nhà môi giới dịch vụ cũng sẽ phải kiện toàn lại, đáp ứng đúng quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. Họ có cơ hội thực hiện trong môi trường chuyên nghiệp, thông thoáng hơn.

Quan trọng nhất là khi luật chơi mới được hình thành, nhu cầu bất động sản gia tăng trở lại sẽ kéo thêm nhiều nguồn vốn mới rót vào thị trường.

Mặt bằng lãi suất thấp đang tạo dư địa tốt cho tín dụng bất động sản tăng trưởng trở lại trong khi bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong 21 nhóm ngành kinh tế thu hút vốn FDI tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm.

Tương tự, dòng kiều hối cũng đang có thiên hướng chảy vào thị trường Việt Nam khi các luật vừa có hiệu lực từ ngày 1/8 với nhiều quy định cởi mở hơn về việc sở hữu nhà ở đối với Việt kiều.

Theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhu cầu mua nhà để ở tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá… sẽ thúc đẩy lượng giao dịch tiếp tục tăng.

Trong đó, phân khúc chung cư và phân khúc đất nền đấu giá sẽ có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ “săn đón” đất đấu giá, các lô đất đã tách thửa ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá chưa quá cao.

Theo VARS đánh giá, lực cầu trong dân rất mạnh, không chỉ cầu về nhà ở mà còn cầu về đầu tư cũng rất lớn.

“Dự đoán của chúng tôi cho rằng, nguồn cung trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục được cải thiện, ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024, được đóng góp chủ yếu từ phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang với chất lượng sản phẩm và mức giá bán phục hồi rõ nét cùng với nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng gia nhập thị trường”, ông Đính nhấn mạnh.

Minh Đức (T/H)

Theo Chất lượng và cuộc sống