Thị trường chứng khoán 10/6: Đà giảm quay trở lại, HoSE yêu cầu quản lý việc hủy, sửa lệnh theo khung giờ

Sau phiên phục hồi kỹ thuật hôm qua, thị trường chứng khoán đã quay trở lại nhịp giảm điểm của 2 phiên đầu tuần. Tình trạng bán tháo diện rộng không xuất hiện, ngưỡng hỗ trợ 1.315 - 1.320 điểm tỏ ra khá vững.

Sau phiên phục hồi kỹ thuật hôm qua, thị trường chứng khoán đã quay trở lại nhịp giảm điểm của 2 phiên đầu tuần. Tình trạng bán tháo diện rộng không xuất hiện, ngưỡng hỗ trợ 1.315 - 1.320 điểm tỏ ra khá vững.

VN-Index tạo cây nến giảm điểm Bearish Harami đi kèm khối lượng suy giảm cho thấy dòng tiền bên ngoài cũng vẫn chưa quay trở lại. Thị trường tiếp tục giảm trở lại từ vùng kháng cự MA (10) và có lẽ cần tích lũy thêm hoặc dòng tiền đột biến trở lại để tăng giá. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.330-1.340 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.350-1.360 điểm.

VN-Index mở cửa phiên giao dịch tăng nhẹ 5 điểm. Tuy nhiên ngay sau đó, chỉ số quay đầu giảm 9 điểm. Về cuối phiên sáng, chỉ số tăng giảm xen kẽ dưới mức tham chiếu, 1,323-1,335 điểm. Sang phiên chiều, tình hình giằng co tiếp tục được duy trì và kết thúc phiên giảm 9.32 điểm, về lại mức 1,323.58 điểm.

Chỉ số VN30 cũng diễn biến cùng chiều với thị trường, khi kết phiên giảm nhẹ 0.45%. Bên bán chiếm ưu thế trong phiên giao dịch 10/06/2021, có tới 21 mã giảm, 3 mã tham chiếu và chỉ có 6 mã tăng giá. Trong đà giảm ấy, BID, VRE, PLX đều cùng nhau giảm hơn 2%. Điểm sáng của rổ VN30 đến từ cổ phiếu VNM và SBT, tăng lần lượt 3.5% và 3.3%. Trong nhóm những cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường, VNM, HPG, SAB và SSB đóng góp tổng cộng hơn 4 điểm cho thị trường. Ở chiều ngược lại, VIC, VHM và BID lại là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường.

Nhóm chế biến thủy sản có một ngày giao dịch bùng nổ, nhóm này tăng 6.28% nhờ vào những số liệu tích cực về tình hình xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5/2021, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD. Việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí…

Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và do chính quy định kiểm soát Covid của nước này. Điều này giúp triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành chế biến thủy sản trở nên rất tích cực. Trong phiên giao dịch ngày 10/06/2021, các cổ phiếu đầu ngành đều bật tăng hết biên độ, có thể kể đến như VHC, ANV, FMC, IDI và ACL. Kết thúc phiên giao dịch, toàn ngành chỉ chứng kiến một mã cổ phiếu giảm giá là ABT, giảm 3.23%.

Ở chiều ngược lại, nhóm khai khoáng lại là một trong những nhóm giảm mạnh nhất phiên, khi giảm gần 5%. Cụ thể, PVS giảm 5.28%; PVD giảm sàn; KSB, DHA, NNC và PVC đều kết phiên trong sắc đỏ. Toàn ngành chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá, trong khi đó có tới 22 mã giảm giá.

Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 674 triệu đơn vị, giảm 12.42% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 5.4% đạt hơn 142 triệu đơn vị.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ trở lại mua ròng gần 210 tỷ đồng trên toàn thị trường, chấm dứt chuỗi 8 phiên bán ròng liên tiếp. Trong đó, lực mua của khối ngoại tập trung chủ yếu vào HPG (167,4 tỷ đồng), VNM (91,7 tỷ đồng), SSI (53,8 tỷ đồng). Trên HoSE, khối ngoại đã mua tròng 250,25 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với 1,45 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 62,98 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị 21,69 tỷ đồng.

Liên quan tới việc nghẽn thị trường, được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ngày 10/6, Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã có văn bản đề nghị các công ty chứng khoán thành viên phối hợp thực hiện việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh. để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HoSE lưu ý các Công ty chứng khoán thành viên kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn chung của hệ thống giao dịch HoSE.

Bên cạnh đó, các Công ty chứng khoán cũng quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ từ 9h15 đến 9h25; từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch.

Theo thông tin từ ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, FPT đang điều chỉnh core trên hệ thống HNX để áp dụng cho sàn HoSE. Đây là phương án tối ưu đã được Bộ Tài chính/UBCK chấp thuận vì mọi thay đổi diễn ra chủ yếu tại HoSE, hạn chế tối đa tác động đến hệ thống của 73 công ty chứng khoán thành viên.

Ông Lê Hải Trà cho biết nếu không có gì thay đổi, hệ thống mới với năng lực xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày sẽ được đưa vào vận hàng vào đầu tháng 7/2021.

Về hệ thống KRX, trong ngày 9/6, HoSE đã gửi thông báo đến các công ty chứng khoán thành viên về việc kết nối thử nghiệm hệ thống KRX. Theo đó, ngày 11/6 tới đây, HoSE sẽ gửi thông số kỹ thuật qua forum cho các công ty chứng khoán theo dõi. Từ 14/6 đến 23/7 sẽ thử nghiệm kết nối và từ 26/7 đến 6/8 sẽ thử nghiệm chức năng, trong đó công ty chứng khoán kết nối vào hệ thống mới của HoSE từ 8h30-15h các ngày làm việc trong tuần.

Minh Châu

Theo DNVN