Thị trường chứng khoán 2025: Khối ngoại sẽ dần trở lại?

Theo chuyên gia, định giá hấp dẫn, tăng trưởng ngành khả quan và triển vọng nâng hạng là ba điều kiện thu hút khối ngoại trở lại thị trường chứng khoán năm 2025.

Sau hai tuần giằng co với thanh khoản thấp, VN-Index đã ghi nhận tín hiệu khởi sắc trong tuần đầu tháng 12 khi kiểm định thành công ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.240 điểm. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.270,14 điểm, tăng 1,57% so với tuần trước, củng cố xu hướng phục hồi.

Tuy nhiên, trong những phiên đầu tuần, khối ngoại bất ngờ “xả hàng”. Mặc dù đã trở lại mua ròng trong hai phiên cuối tuần nhưng luỹ kế 5 phiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 356 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tháng cuối năm khởi đầu bằng một tuần bán ròng cũng làm dấy lên lo ngại rằng xu hướng này có thể kéo dài sang năm 2025.

Thị trường chứng khoán 2025: Khối ngoại sẽ dần trở lại? - Ảnh 1

Cần biết, từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại mạnh và kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng là một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức ngày 6/12.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Hồ Sỹ Hoà – Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán DNSE cho hay, để khối ngoại giải ngân trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam cần 3 điều kiện, đó là định giá, dự báo tăng trưởng ngành và triển vọng nâng hạng.

“Về định giá, P/E của Việt Nam đang ở mức 12 lần, tương đối hấp dẫn. Trong khi đó, thị trường Mỹ, dù nhà đầu tư nước ngoài hướng về thị trường phát triển, nhưng nhìn vào định giá S&P500 đang ở mức 23 lần thì không còn quá hấp dẫn”, ông Hoà đánh giá.

TS Hồ Sỹ Hoà đánh giá, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn
TS Hồ Sỹ Hoà đánh giá, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn

Về tăng trưởng, trong 9 tháng đầu năm 2024, hầu hết các ngành đều tăng trưởng tích cực, ngoại trừ bất động sản ghi nhận mức giảm 40%. Tuy nhiên, theo ông Hoà, với định hướng của Chính phủ về tháo gỡ trái phiếu, nhìn tới năm 2025, đáo hạn trái phiếu rơi vào khoảng 250.000 tỷ đồng, trong đó đáo hạn trái phiếu bất động sản là 80.000 tỷ đồng.

“Nếu được tháo gỡ, tăng trưởng doanh nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng như 9 tháng đầu năm, tức là rơi vào khoảng 15-17%”, ông Hoà nhận định.

Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư của DNSE cũng nói thêm, giải pháp căn cơ cho tiến trình nâng hạng là triển khai cơ chế đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) đã được mở hành lang pháp lý. Đây là cơ sở quan trọng cho kỳ vọng về việc năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và ông Tô Trần Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) khẳng định, các giải pháp gỡ bỏ rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán, cũng là điều kiện quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán, đang được cơ quan quản lý tích cực triển khai thông qua việc khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Cụ thể, tháng 11/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC với nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ (prefunding) đối với nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức có hiệu lực. Đây là căn cứ pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam với chi phí thấp hơn nhưng lại giảm thiểu các rủi với các nhà đầu tư.

Cũng trong tháng 11, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó mở hành lang pháp lý để triển khai CCP, bao gồm việc cho phép ngân hàng thương mại nước ngoài tham gia thanh toán bù trừ trên thị trường cơ sở và cho phép VSDC được thành lập công ty con để thực hiện chức năng CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Tổng giám đốc VSDC Tạ Thanh Bình nhấn mạnh dòng vốn nước ngoài thông thường sẽ đổ vào trước khi công bố quyết định nâng hạng
Tổng giám đốc VSDC Tạ Thanh Bình nhấn mạnh dòng vốn nước ngoài thông thường sẽ đổ vào trước khi công bố quyết định nâng hạng

“Có rất nhiều con số liên quan đến kỳ vọng về dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn, World Bank tính toán từ nay đến năm 2030, thị trường có thể thu hút 25 tỷ USD, còn FTSE Russell dự báo con số này có thể rơi vào khoảng 6-7 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng “cú hích” nâng hạng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán. Cùng với đó, những cải cách về thể chế, thay đổi thủ tục hành chính,… cũng sẽ tạo ra động thái tích cực”, bà Tạ Thanh Bình cho hay, đồng thời cũng nhấn mạnh dòng vốn nước ngoài thông thường sẽ đổ vào trước khi công bố quyết định nâng hạng.

Hà Lê

Theo VietnamFinance