Thị trường hồi phục, nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giảm 10-14% chỉ trong 1 tuần
Bất chấp thị trường hồi phục trong tuần thứ hai tháng 10, vẫn có nhiều cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ giảm sâu, trong đó đa phần là cổ phiếu bất động sản.
VN-Index khởi đầu tuần vừa qua với mức tăng gần 7 điểm khi đảo chiều ấn tượng từ đỏ sang xanh. Tuy nhiên sự tích cực này không thể duy trì lâu khi chỉ số sụt giảm mạnh ngay phiên sau đó với mức giảm hơn 36 điểm. Thế nhưng trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index liên tục bật tăng trong bối cảnh khối lượng giao dịch chưa thật sự ổn định.
Xét cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 25,94 điểm, tiến lên mức 1.061,85 điểm.
Tuy là một tuần giao dịch tương đối tích cực của thị trường chứng khoán nhưng vẫn có không ít cổ phiếu đi ngược lại thị trường, thậm chí giảm khá mạnh, đặc biệt là cổ phiếu ngành bất động sản.
HDC giảm 14%
Cổ phiếu HDC của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm 14% trong tuần thứ hai của tháng 10 từ 42.500 đồng/cổ phiếu mở phiên 10/10/2022 xuống 36.550 đồng/cổ phiếu kết phiên 14/10/2022.
Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC) có tiền thân là Công ty Phát triển Nhà Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được thành lập vào năm 1990. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các dịch vụ du lịch và bất động sản khác. HDC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2001. Công ty hiện đang có quỹ đất khoảng 400ha tại thành phố Vũng Tàu.
Một số dự án tiêu biểu của Công ty có thể kể đến như: Khu nhà ở Sao Mai Bến Đình, Khu nhà ở Gò Sao - Quận 12, TP. HCM, Chung cư Bình Giã Resident, Chung cư Bình An, Chung cư Lô A - 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Chung cư Lô B - 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Chung cư Bình An. HDC được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2007.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 780,3 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 177,11 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập vừa bán ra 34.900 cổ phiếu HDC để giảm sở hữu từ 247.015 cổ phiếu về 212.115 cổ phiếu, tương ứng 0,2% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện ngày 13/10.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Anh Minh, tổ chức liên quan ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập cũng vừa bán ra 32.900 cổ phiếu HDC để giảm sở hữu từ 250.000 cổ phiếu về còn 217.100 cổ phiếu, tương ứng 0,2% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện ngày 13/10.
Trong đó, cả ông Tuấn và Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Anh Minh đều đưa ra lý do bán cổ phiếu là do công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu HDC.
Thêm nữa, ông Nguyễn Quang Đạt, Phụ trách quản trị Hodeco cũng vừa bán ra 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 201.650 cổ phiếu về còn 151.650 cổ phiếu, tương ứng 0,14% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ 4/10 đến 12/10.
STK giảm 12,44%
Cổ phiếu STK của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã giảm 12,44% trong tuần thứ hai của tháng 10 từ 39.400 đồng/cổ phiếu mở phiên 10/10/2022 xuống 34.500 đồng/cổ phiếu kết phiên 14/10/2022.
Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ được thành lập năm 2000. Hoạt động sản xuất chính của công ty là sản xuất sợi tơ tổng hợp, dệt kim. Công ty hiện đang cung cấp các sản phẩm: sợi POY, sợi DTY và sợi FDY. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ) và châu Á. Công ty cũng là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may như Nike, Adidas, Uniqlo và Puma. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004. Công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) năm 2015.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của STK đã tăng trưởng chậm lại so với quý I năm 2022, đạt 1.170 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên lợi nhuận gộp lại có dấu hiệu cải thiện nhẹ, tăng 2,8% so với cùng kỳ, đạt 217 tỷ đồng, dẫn đến biên gộp chỉ giảm 1% so với cùng kỳ, từ 20% xuống còn 19% trong nửa đầu năm.
Nhìn rộng hơn, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,3 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 24,3 tỷ USD tăng 24,6% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu sợi đạt 3,5 tỷ USD giảm 5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bức tranh trong quý IV/2022 không mấy tươi sáng, theo đánh giá của SSI Research. Triển vọng đơn hàng cho quý IV và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Trong nửa đầu tháng 9 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm 2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng.
Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như STK.
NBB giảm 10,88%
Cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy đã giảm 10,88% trong tuần thứ hai của tháng 10 từ 19.300 đồng/cổ phiếu kết phiên 10/10/2022 xuống 17.200 đồng/cổ phiếu kết phiên 14/10/2022.
Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) có tiền thân là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5), được thành lập vào năm 2005. Hoạt động kinh doanh của công ty hiện nay bao gồm: Đầu tư và kinh doanh bất động sản; Xây dựng các công trình giao thông, xây dựng dân dụng và công nghiệp; Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản xuất điện; Đầu tư tài chính.
Về tình hình kinh doanh, NBB ghi nhận lãi 6 tháng đầu năm 2022 chưa đến 2 tỷ đồng, cách rất xa kế hoạch 102 tỷ đồng đã đặt ra. Nguyên nhân do các dự án đang trong quá trình tiến hành bồi thường và giải phóng mặt bằng chưa đem lại doanh thu. Cơ cấu tài chính của công ty tính tới 30/6/2022 đang vay nợ ngắn hạn 852 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 2.208 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi nhuận lao dốc, dòng tiền kinh doanh của NBB cũng ghi nhận âm kỷ lục. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 697 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức âm 179 tỷ đồng của cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.123 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.823 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty tăng mạnh các khoản phải thu và hàng tồn kho.
Đáng chú ý, từ ngày 10/10 đến 8/11, công ty này đăng ký bán toàn bộ 315.861 cổ phiếu quỹ, mục tiêu là cân đối tài chính công ty. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE).
TDC giảm 10,6%
Cổ phiếu TDC của Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã giảm 10,6% trong tuần thứ hai của tháng 10 từ 19.800 đồng/cổ phiếu mở phiên 10/10/2022 xuống 17.700 đồng/cổ phiếu kết phiên 14/10/2022.
Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), được thành lập năm 2002 trên cơ sở cổ phần hóa bộ phận kinh doanh bán buôn, bán lẻ trực thuộc Công ty Thương mại Đầu tư và Phát triển (Becamex IDC Corp).
Sản phẩm và dịch vụ của công ty là vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dân cư và khu công nghiệp. Trong đó hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng là hoạt động mang tính chủ lực của công ty kể từ khi thành lập đến nay. Lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản sẽ là lĩnh vực mang tính chiến lược và là nền tảng cho sự phát triển của công ty trong những năm tới.
Công ty đã và đang xây dựng những dự án lớn như: Căn hộ cao cấp TDC Plaza được đặt tại ngay khu Trung tâm Hành chính, Chính trị tập trung Tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 21.695 m2, tổng giá trị đầu tư gần 600 tỷ đồng; Dự án Uni - Town với tổng diện tích 118.552m2, tổng giá trị đầu tư gần 1.700 tỷ đồng...
Ngày 04/05/2010, TDC chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 799,18 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 23,59 tỷ đồng, giảm 35,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, công ty này đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.889,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139,26 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 16,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, TDC ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính dương 488,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 199,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 102,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 2,6 tỷ đồng.
SGT giảm 10,13%
Cổ phiếu SGT của Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) đã giảm 10,13% trong tuần thứ hai của tháng 10 từ 15.800 đồng/cổ phiếu mở phiên 10/10/2022 xuống 14.200 đồng/cổ phiếu kết phiên 14/10/2022.
Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) được thành lập năm 2002. Ngày 18/1/2008, SGT chính thức giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Saigontel ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 575 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 155 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần.
Saigontel cho biết nguyên nhân tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu do lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng, cho thuê nhà đất, nhà xưởng, văn phòng tại khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn của chi nhánh Bắc Ninh, bàn giao căn hộ tại dự án TM7 Bắc Giang và hoạt động dịch vụ của văn phòng công ty.
Đáng chú ý, Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT), vừa đăng ký mua hơn 17,5 triệu cổ phiếu SGT trong đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty (tỷ lệ thực hiện 1:1).
Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 18- 24/10 theo phương thức thỏa thuận. Theo phương án chào bán mà Saigontel công bố, giá chào bán của đợt này là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ông Tâm sẽ chi khoảng 175 tỷ đồng cho thương vụ này.
Nếu mua hết số cổ phiếu dự kiến, số lượng cổ phiếu mà ông Tâm nắm giữ sẽ tăng từ 17,5 triệu đơn vị lên hơn 35 triệu đơn vị.
Về phần Saigontel, nếu chào bán hết cổ phiếu theo dự kiến, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp đôi lên 1.480 tỷ đồng, đồng thời thu về 740 tỷ đồng từ đợt chào bán để bổ sung vốn lưu động và tái cơ cấu các khoản nợ vay.