Thị trường hút vốn tỷ USD mỗi phiên, công ty chứng khoán cạn room cho vay
Nhiều công ty chứng khoán lớn sắp cạn room cho vay giữa lúc thị trường bùng nổ. Giới chuyên gia lưu ý lúc này nhà đầu tư cần thận trọng.
Nhiều công ty chứng khoán sắp cạn room cho vay
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động chưa từng có, với chỉ số VN-Index liên tục chinh phục những cột mốc mới, vượt mốc 1.500 điểm và cao nhất trong lịch sử.
, các công ty chứng khoán (CTCK) lên mức kỷ lục.Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán (CTCK) lên mức kỷ lục.
Margin
Margin (hình thức vay vốn từ các CTCK để đầu tư chứng khoán) trở thành động lực quan trọng thúc đẩy thanh khoản thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức liên tục đổ vào.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong quý II, dư nợ margin ước khoảng 292.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng so với cuối quý I và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Sự bùng nổ này phản ánh tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư nhưng cũng đặt ra những cảnh báo về rủi ro khi nhiều CTCK lớn đang tiến gần đến ngưỡng cạn room cho vay.
Lãi suất cho vay margin cũng được điều chỉnh tăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận của các CTCK.

Tuy nhiên, khả năng mở rộng margin - nguồn lực quan trọng của một số CTCK lớn - lại đang dần cạn kiệt. Với dư nợ margin hiện tại, nhiều CTCK lớn đã sử dụng gần hết room cho vay, với tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu vượt 100% ở một số đơn vị.
Các CTCK hàng đầu như SSI, VPBankS hay TCBS báo cáo tỷ lệ sử dụng room margin chạm mức 90-95%. Nhiều công ty trong nhóm top thị phần như Chứng khoán HSC (HCM),Mirae Asset Vietnam (MAS) và KIS Vietnam (KIS)... gần như đã cạn "room" cho vay.
Các CTCK nhỏ hơn, với quy mô vốn hạn chế, đã gần chạm ngưỡng tối đa theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, buộc phải tạm dừng hoặc hạn chế cho vay mới.
Có hơn 10 công ty chứng khoán lớn nhỏ hiện còn dư địa margin dưới 29%, trong đó có cả những tên tuổi trong nhóm top 10 thị phần môi giới như HSC, MBS, MAS, KIS, VCBS.
Theo quy định, mỗi công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay margin tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Thống kê cho thấy dư địa cho vay còn lại (tỷ lệ giữa dư nợ hiện tại với giới hạn tối đa) của gần 40 CTCK đã giảm về mức 45,6%, thấp nhất kể sau quý II/2022 và giảm gần 3 điểm phần trăm so với quý trước.
Rủi ro và cơ hội cho nhà đầu tư
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền, VN-Index lên đỉnh mọi thời đại, nhu cầu margin sẽ tiếp tục tăng mạnh từ phía nhà đầu tư cá nhân. Điều này đồng nghĩa áp lực vốn lên các công ty chứng khoán sẽ càng nặng nề.
Thực tế cho thấy giai đoạn căng margin thường gắn liền với các chu kỳ nóng của thị trường và nhà đầu tư cũng tỏ ra nhạy cảm với các dữ liệu nguồn cho vay của CTCK lớn.
Việc các CTCK gần cạn room margin phản ánh nhu cầu vay vốn mạnh mẽ. Nhiều CTCK đang dùng đẩy mạnh đòn bẩy tài chính để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư bằng cách tăng vốn hoặc tái cơ cấu. Động thái này cũng đặt ra áp lực lên các CTCK trong việc huy động vốn mới thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu, một quá trình không hề đơn giản trong bối cảnh lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức cao. Đồng thời, việc này cũng đối mặt với rủi ro nếu thị trường bất ngờ điều chỉnh mạnh

Đáng chú ý, UBCKNN gần đây đã cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được giao dịch theo cơ chế non pre-funding (mua chứng khoán mà không cần ký quỹ trước). Điều này giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn ngoại, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực lên các CTCK trong việc quản lý room margin. Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn, nhu cầu vay vốn có thể tiếp tục tăng, đẩy các CTCK vào tình trạng căng thẳng về nguồn vốn.
Với triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng, các CTCK sẽ phải tiếp tục củng cố năng lực vốn để bắt kịp với tốc độ phát triển của thị trường, thu hút nhà đầu tư, tránh bị tụt hậu.
Lĩnh vực tài sản số cũng dần đi vào khuôn khổ tại Việt Nam. Đây sẽ là một trong những sân chơi hấp dẫn mà các CTCK chắc chắn không thể bỏ qua, bên cạnh TTCK.
Tuy vậy, trong năm 2025, cho vay margin được dự báo vẫn tiếp tục phát triển mạnh, nhất là khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng và huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp ngày càng khắt khe.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn mới, được nâng hạng trong năm nay, thị trường có thể tăng điểm lớn, sẽ kích thích việc sử dụng margin mạnh mẽ hơn.
Ông Huân cũng lưu ý rằng, khi hệ thống KRX đi vào hoạt động, các CTCK sẽ có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn nữa cho nhà đầu tư, như bán khống. Các hoạt động này sẽ đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường, dẫn đến doanh thu của CTCK trở nên đa dạng hơn, khiến hoạt động cho vay margin có thể giảm bớt vai trò chủ đạo như hiện nay.
Sự bùng nổ của margin mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt là những người muốn tận dụng đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận trong giai đoạn thị trường tăng trưởng.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng mức margin cao kỷ lục tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong trường hợp thị trường điều chỉnh hoặc xuất hiện các sự kiện bất ngờ như thay đổi chính sách tiền tệ hoặc biến động kinh tế toàn cầu.
Khi các CTCK gần hết room margin, nhà đầu tư có thể đối mặt với tình trạng bị hạn chế vay mới hoặc bị yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo (call margin) nếu giá cổ phiếu giảm mạnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy cao, khi một đợt điều chỉnh thị trường có thể dẫn đến thua lỗ lớn hoặc thậm chí mất toàn bộ vốn đầu tư.
Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh tập trung vào một vài cổ phiếu nóng, đặc biệt là những cổ phiếu có tính đầu cơ cao; hạn chế sử dụng margin ở mức tối đa, duy trì tỷ lệ vay dưới 50% giá trị danh mục để giảm áp lực call margin.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là các thông báo từ CTCK về tình trạng room margin và các chính sách liên quan.
Cùn với đó, ưu tiên cổ phiếu cơ bản tốt, tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, ít chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng không thiếu những thách thức. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý, tránh chạy theo đám đông và xây dựng chiến lược đầu tư dựa trên phân tích kỹ lưỡng.