VN-Index vượt đỉnh lịch sử, nhóm chứng khoán 'bay cao'

Các mã chứng khoán như CTS, VIX, WSS đồng loạt bứt phá và lọt danh sách cổ phiếu tăng mạnh trong tuần VN-Index lập đỉnh mới, phản ánh kỳ vọng ngày càng lớn của nhà đầu tư.

Tuần qua giao dịch vừa qua, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, bất chấp việc nhiều cổ phiếu đã neo ở vùng giá cao. Nhờ lực đẩy từ dòng tiền, VN-Index kết thúc tuần ở mức 1.531,13 điểm, chính thức lập đỉnh mọi thời đại (tính theo giá đóng cửa).

Trong bối cảnh đó, các mã chứng khoán tiếp tục là điểm sáng nổi bật nhất trên thị trường với nhiều cái tên góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán lọt danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường tuần qua
Nhiều cổ phiếu chứng khoán lọt danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường tuần qua
HoSE: SJS leo lên top, nhóm chứng khoán tiếp tục hút tiền

 

Trên sàn HoSE, SJS trở thành ngôi sao sáng nhất tuần với mức tăng 40,03% sau 5 phiên tăng trần liên tiếp. Với giá đóng cửa đạt 160.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Công ty CP SJ Group đã vượt 18.300 tỷ đồng, đưa SJS trở thành cổ phiếu đắt giá thứ hai trên sàn, vượt qua nhiều tên tuổi lớn như FRT hay BMP.

Cú tăng tốc của SJS diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành hơn 182,6 triệu cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 75,1%) cho các năm 2018, 2019, 2020, 2021 và 2024 cùng cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ (tỷ lệ 83,9%). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 1.826,2 tỷ đồng. Nguồn vốn được trích từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và thặng dư vốn cổ phần. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của SJ Group dự kiến tăng từ 1.148,5 tỷ đồng lên gần 3.000 tỷ đồng.

Theo sau SJS lần lượt là CTS (+31,93%), VJC (+30,65%), VSC (+27,86%), VIX (+27,59%), GEX (+26,18%), CDC (+22,33%), TYA (+21,77%), HSL (+19,51%), MHC (+17,52%).

Trong đó, cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) là mã có lực cầu tốt nhất. Với 3 phiên tăng trần liên tiếp, mã này trở lại vùng đỉnh trong 3 năm trở lại đây. Tạm tính theo mức giá 121.900 đồng/cp, vốn hóa của Vietjet Air hiện đã vượt 66.000 tỷ đồng. Đà tăng ấn tượng của VJC không chỉ thúc đẩy giá trị vốn hóa doanh nghiệp, mà còn đưa tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet – lên tầm cao mới, hiện đạt khoảng 3,2 tỷ USD theo thống kê của Forbes.

Ngoài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC, dòng tiền còn lan tỏa mạnh mẽ tới nhóm chứng khoán. Trong đó, CTS và VIX là hai cái tên nổi bật với mức tăng lần lượt hơn 31% và gần 28% chỉ trong một tuần, thậm chí cao hơn 45% so với vùng đỉnh gần nhất. Những con số này phản ánh rõ kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng ngành chứng khoán trong bối cảnh thanh khoản thị trường liên tục cải thiện.

Ngoài như VJC, dòng tiền cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trong đó, CTS và VIX là hai đại diện nổi bật nhất khi lần lượt tăng hơn 27% và hơn 45% so với vùng đỉnh gần nhất, phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng ngành trong bối cảnh thị trường sôi động.

Ở chiều ngược lại, 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất lần lượt là LDG (−14,18%), PTL (−13,23%), VRC (−8,80%), HAR (−8,35%), VCA (−7,08%), VFG (−7,07%), HAG (−5,39%), SFC (−5,24%), CSM (−5,10%), ABS (−4,98%).

Trong đó, LDG là trường hợp đáng chú ý nhất. Sau chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp và trắng bên mua, cổ phiếu này bất ngờ "hồi sinh" trong phiên 24/7 khi thanh khoản bật lên hơn 57 triệu đơn vị – mức cao nhất trong vòng ba năm. Nhờ lực cầu đột biến, LDG chuyển sắc xanh và tiếp tục tăng trần trong phiên liền sau. Tuy nhiên, xét cả tuần, mã này vẫn giảm hơn 14% so với cuối tuần trước.

HNX: WSS dẫn sóng, BDB quay về nền giá cũ

Trên sàn HNX, cổ phiếu WSS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall bất ngờ trở thành "ngôi sao" khi vươn lên dẫn đầu danh sách tăng giá mạnh nhất trong tuần với mức tăng ấn tượng 35,19%.

Mặc dù không phải là cái tên quen thuộc trong nhóm chứng khoán nhưng việc cổ phiếu WSS thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong tuần qua phần nào phản ánh sự phân hóa rõ rệt của dòng tiền trên thị trường, với xu hướng đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu tài chính – vốn nhạy cảm với diễn biến lãi suất.

Động lực tăng giá của WSS đến từ kết quả kinh doanh đột biến trong quý II. Theo báo cáo mới công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Phố Wall lần lượt đạt 30,9 tỷ đồng và 25,6 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần và 8,7 lần so với quý trước. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất mà doanh nghiệp ghi nhận trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo sau WSS trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh lần lượt là các mã HOM (+31,71%), NHC (+29,71%), NFC (+25,09%), ICG (+24,11%), HCC (+23,83%), NAP (+22,00%), VE1 (+21,05%), DXP (+20,62%) và TMX (+19,10%).

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HNX bao gồm: BDB (−28,83%), KHS (−20,77%), QST (−18,83%), VDL (−16,82%), BST (−11,39%), POT (−11,39%), SHN (−11,11%), HEV (−10,00%), TJC (−10,00%) và ADC (−9,90%).

Đáng chú ý là cổ phiếu BDB của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Bình Định – từng gây "sốt" vào cuối tháng 6 – đã quay đầu lao dốc mạnh trong tuần qua. Tính đến phiên giao dịch ngày 25/7, mã này đã rơi về vùng đáy, tương đương với mức chân sóng, mất hơn một nửa giá trị so với đỉnh gần nhất tại 13.600 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, thanh khoản gần như cạn kiệt trong các phiên gần đây, cho thấy chu kỳ tăng giá mang tính đầu cơ của BDB có thể đã kết thúc.

UPCoM: TAB vượt cản với thanh khoản khiêm tốn

Trên sàn UPCoM, danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh lần lượt ghi nhận sự góp mặt của TAB (+64,22%), VCW (+53,89%), VNB (+45,14%), VVS (+36,99%), XPH (+35,65%), RIC (+31,91%), ILA (+31,25%), PXL (+29,58%), BCB (+28,82%) và BVL (+27,39%).

Về TAB, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Freco Việt Nam vốn là mã có thanh khoản khá thấp. Trong tuần, lực cầu đột ngột tăng mạnh tại hai phiên 22/7 (khớp lệnh 84.500 cổ phiếu) và 25/7 (khớp lệnh 19.000 cổ phiếu), trong khi các phiên còn lại gần như trắng thanh khoản hoặc chỉ giao dịch vài trăm đơn vị. Đà tăng phi mã của TAB diễn ra mà không đi kèm bất kỳ thông tin hỗ trợ đáng chú ý nào từ hoạt động kinh doanh, cho thấy tín hiệu rõ ràng của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất trên UPCoM trong tuần qua là: VTI (−39,53%), G20 (−28,57%), DPC (−26,47%), VIR (−23,08%), PCG (−16,67%), APP (−16,00%), DVT (−15,60%), MGG (−15,57%), HAF (−15,00%) và KHD (−15,00%).

Một điểm chung nổi bật trên sàn UPCoM là biên độ dao động giá lớn nhưng thanh khoản lại ở mức thấp – thậm chí gần như nhỏ giọt ở nhiều mã. Diễn biến này tạo nên bức tranh hai chiều rõ nét: một bên là sự hưng phấn nhất thời của dòng tiền đầu cơ, bên còn lại là áp lực chốt lời tại các cổ phiếu thiếu nền tảng cơ bản vững chắc.

Trong bối cảnh VN-Index đang tiến sát vùng đỉnh lịch sử, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, việc thận trọng với những cổ phiếu tăng "phi mã" mà không có yếu tố nội tại hỗ trợ là điều cần thiết. Các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ, bảo toàn lợi nhuận trong ngắn hạn và tránh sa đà vào các nhịp đầu cơ mang tính nhất thời.

Hoàng Anh

Theo VietnamFinance