Thông tin thị trường đáng chú ý trước phiên giao dịch 1/7
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc công bố PMI tháng 6
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc trong tháng 6 là 50,9 điểm, thấp hơn mức 51 điểm của tháng 5. Nguyên nhân phần nào là ảnh hưởng của Covid-19 đến tỉnh Quảng Đông, dẫn đến gián đoạn hoạt động cảng. PMI trên 50 phản ánh sự tăng trưởng và ngược lại. “Số liệu khảo sát mới nhất phù hợp với đánh giá của chúng tôi rằng đà tăng trưởng sẽ giảm dần trong năm nay. Kinh tế Trung Quốc đã vượt xu hướng trước khi Covid-19 xuất hiện”, Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định. “Lực cầu từ bên ngoài với hàng hóa Trung Quốc khả năng cao giảm trong những quý tới, khi việc triển khai vaccine giúp xu hướng tiêu dùng toàn cầu bình thường trở lại”.
Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD sau 6 tháng
Theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Về cán cân thương mại 6 tháng đầu năm, Việt Nam ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý II ước tính đạt 79,23 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,1% so với quý I năm nay.
Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Trong 6 tháng đầu năm, có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%.
Mỹ kết luận ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá 8,35%
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Bộ Công Thương vừa nhận được tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Việt Nam. Ống đống bị điều tra gồm các mã HS: 7411.10.1030; 7411.10.1090; 7407.10.1500; 7419.99.5050, 8415.90.8065; 8415.90.8085. Vụ việc được DOC khởi xướng điều tra từ tháng 7/2020.
Theo đó, DOC kết luận ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Mỹ với biên độ 8,35%, thấp hơn nhiều so với biên độ bán phá giá do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc là 110%. Theo số liệu của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống đồng của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 146,3 triệu USD và 202,2 triệu USD, tương ứng 20.200 tấn và 29.100 tấn.
CTG: Báo lãi 6 tháng 13.000 tỷ đồng
Tại buổi sơ kết hoạt động kinh doanh sáng 30/6, Chủ tịch VietinBank (HoSE: CTG), ông Lê Đức Thọ cho biết tính đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức từ 1% đến 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu 180%.
Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết thêm, tài sản riêng lẻ của ngân hàng đến hết tháng 6 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay có sự cải thiện tích cực hơn so với cùng kỳ. Dư nợ tăng trưởng tín dụng tăng 1,8% so với đầu năm (cùng kỳ chỉ 1%) lên 1,06 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ bình quân tăng từ 54% năm 2020 lên 56% vào cuối quý II. Tỷ lệ CASA bình quân tăng lên mức 19,1% vào cuối quý II nhưng lãnh đạo ngân hàng lưu ý số dư bình quân CASA đang có sự chững lại về tốc độ tăng trưởng
STK: Chốt quyền chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%
Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) thông báo ngày 14/7 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Với 68 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sợi Thế Kỷ sẽ chi khoảng 102 tỷ đồng để thanh toán cổ tức 2020. Ngày thanh toán là 2/8.
Năm 2020, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp sợi ghi nhận doanh thu giảm 21% xuống 1.767 tỷ đồng; lãi sau thuế 144 tỷ đồng, giảm 33% xuống 144 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% - tỷ lệ được doanh nghiệp duy trì 2 năm gần đây. Đánh giá dù dịch Covid-19 còn tiếp diễn nhưng bối cảnh nền kinh tế đã khác, nhu cầu phục hồi, đơn hàng tăng lên, ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đề ra mục tiêu doanh thu 2021 tăng 34% đạt 2.358 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 72% đạt 248 tỷ đồng – cao hơn mức trước dịch (2019).
VPI: Kế hoạch doanh thu năm nay tăng 43% so với năm trước
Sáng 29/6, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (HoSE: VPI) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 bằng hình thức họp trực tuyến. Trước đó, ngày 17/6, công ty đã hoàn thành việc kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và đã được cổ đông thông qua báo cáo kết quả kinh doanh 2020 và kế hoạch 2021 cũng như các nội dung quan trọng khác. Cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 3.100 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 11% lên 341 tỷ đồng.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đoàn Châu Phong, Tổng Giám đốc Văn Phú – Invest cho biết năm 2021, ban lãnh đạo đánh giá nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và tác động tới kinh tế Việt Nam. Trong quý II, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam với quy mô rộng và khó kiểm soát, đặc biệt ở hai đầu tàu kinh tế là TP Hà Nội và TP HCM có thể kéo tăng trưởng chậm lại so với kế hoạch. Với những nhận định trên, đánh giá nguồn lực phát triển của công ty, ban lãnh đạo lựa chọn chiến lược năm 2020 và 2021 là ổn định hoạt động kinh doanh, tận dụng cơ hội tích lũy quỹ đất để tăng tốc phát triển trong giai đoạn 2022 - 2025.
GIL: Sắp chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 20%
Gilimex (HoSE: GIL) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Doanh nghiệp dự kiến phát hành 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 20% vốn điều lệ để trả cổ tức. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 360 tỷ đồng lên 432 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện sau khi được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2021.
Với lượng cổ phiếu lẻ nếu phát sinh, HĐQT sẽ phân phối cho các đối tượng khác với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Năm 2020, bất chấp diễn biến dịch bệnh Covid19, Gilimex thực hiện 3.457 tỷ đồng doanh thu, tăng 40%; lãi sau thuế 309 tỷ đồng, tăng 92% so với năm trước. Với kết quả này, lãnh đạo Gilimex đã trình và được cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 30%, 10% tiền mặt đã tạm ứng trong tháng 6
GMD: Lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 38%
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Gemadept (HoSE: GMD) diễn ra sáng nay 30/6 theo hình thức trực tiếp tại văn phòng công ty và tuân theo quy định giãn cách. Tại đại hội, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT cho hay mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, nhân công khan hiếm và giá vật tư xây dựng tăng nhưng cảng nước sâu Gemalink vẫn hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Gemalink chính thức đi vào hoạt động với chuyến tàu thương mại đầu tiên vào tháng 1.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc, vừa trúng cử thành viên HĐQT GMD nhiệm kỳ 2018-2023, trong quý I, sản lượng tại Gemalink ước đạt hơn 100.000 teus. Ước trong 6 tháng đầu năm, sản lượng Gemalink tiếp tục tăng, ước đạt 300.000-320.000 teus.
Dự kiến cả năm sản lượng tại Gemalink có thể đạt 900.000-1.100.000 teus. Sở dĩ có sự chênh lệch biên độ rộng là do trong 6 tháng đầu năm xảy ra nhiều sự cố như nghẽn kênh đào Suez, tình trạng thiếu container khiến hoạt động các hãng tàu xáo trộn. Nhiều hãng tàu không duy trì được số tàu theo kế hoạch. Tính đến hiện tại cảng đã hoạt động 90% công suất, dự kiến đạt 100% từ quý III.