Thu hồi tài sản: Cảnh báo với tội phạm tham nhũng, kinh tế

Một mùa xuân mới đã về, phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản bây giờ không còn là một cánh én mà là cả một làn gió mới đầy hy vọng.

Vài năm gần đây cuộc chiến chống “giặc nội xâm tham nhũng” và các tội phạm kinh tế đang được thực hiện một cách liên tục, đều khắp, mạnh mẽ, xóa được phần nào các loại nghi ngờ dai dẳng trước đó như “tắm từ cổ trở xuống” hay “công cụ loại trừ phe nhóm”, chứng minh một cách rõ ràng “chống tham nhũng không có vùng cấm, không trừ một ai”.

Không có vùng cấm trong chống tham nhũng

Xã hội đã trút được phần nào gánh nặng băn khoăn về sự bất lực của Nhà nước trong cuộc đấu tranh dai dẳng và sinh tử với căn bệnh tham nhũng tưởng như đã là mãn tính này. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có cơ sở để tự tin mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.

Các nước, nhất là các thành viên trong các hiệp định thương mại quốc tế có Việt Nam đã nhìn thấy một đối tác tin cậy và có trách nhiệm thực hiện các điều khoản về minh bạch, chống tham nhũng mà Việt Nam đã cam kết. Nhìn từ một góc độ khác, những kẻ có ý định tham nhũng, phạm tội kinh tế để trục lợi trên lợi ích của Nhân dân, Nhà nước và xã hội đã không dám lộng hành, bất chấp như trước nếu không muốn nói là đã biết sợ, biết chùn tay vơ vét hơn.

Trong các thành công bước đầu của cuộc chiến này, một tín hiệu đáng mừng là song song với việc trừng trị nghiêm minh các tội phạm tham nhũng, kinh tế bằng các hình phạt tương xứng, việc thu hồi các tài sản do phạm tội tham nhũng, kinh tế mà có bước đầu đã có những bước chuyển biến đáng kể không chỉ về số tiền và tài sản thu được từ tội phạm mà còn là bước chuyển về nhận thức trong Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng thể chế, tổ chức và phương thức thực hiện việc thu hồi này theo hướng hiệu quả hơn, đem lại lòng tin trong nhân dân.

Theo báo cáo kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian ba năm (2020-2022), Cơ quan điều tra đã và đang thụ lý giải quyết hơn 1.800 vụ án (án hình sự tham nhũng đã giải quyết trên 500 vụ chiếm hơn 84 % trên tổng số gần 700 vụ; án hình sự kinh tế đã giải quyết trên 1.100 vụ chiếm hơn 88% trên tổng số gần 1.200 vụ).

Viện kiểm sát nhân dân đã và đang thụ lý giải quyết hơn 2.600 vụ án (án hình sự tham nhũng đã giải quyết trên 800 vụ chiếm hơn 88 % trên tổng số gần 1.000 vụ; án hình sự kinh tế đã giải quyết trên 1.500 vụ chiếm hơn 83% trên tổng số gần 1.800 vụ); Tòa án nhân dân đã và đang thụ lý giải quyết hơn 1.700 vụ án (án hình sự tham nhũng đã giải quyết trên 470 vụ chiếm hơn 93% trên tổng số gần 550 vụ; Án hình sự kinh tế đã giải quyết trên 1.100 vụ chiếm gần 95% trên tổng số hơn 1.200 vụ). Tòa án đã giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đều đạt trên 90%.

Cũng theo báo cáo trên, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế giai đoạn 2020-2022 là tổng số việc phải thi hành là 10.275 việc; số việc có điều kiện thi hành là 9.041 việc; số đã thi hành xong là 8.197 việc. Về tiền: Tổng số tiền phải thi hành là trên 109.121 tỷ đồng; số tiền có điều kiện thi hành là trên 63.105 tỷ đồng; số tiền đã thi hành xong là trên 35.501 tỷ đồng.

Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (tính đến 30/9/2022): Trong tổng số 121 vụ việc, đã thi hành xong 45 vụ việc, đã xử lý xong hết tài sản, đang tiếp tục tổ chức thi hành 59 vụ việc. Về tiền, tổng số phải giải quyết là trên 130.870 tỷ đồng; số đã thi hành xong là trên 56.387 tỷ đồng, còn phải thi hành là trên 74.482 tỷ đồng.

Qua giám sát cho thấy công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan thi hành án dân sự đạt những kết quả tích cực, cụ thể riêng năm 2019 thu hồi được số tiền hơn 16.651 tỷ đồng, bằng 51% tổng số tiền đã thi hành xong. Năm 2022 nhiều “nút thắt” quan trọng được Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo tháo gỡ nên cơ quan THADS đã thu được số tiền, giá trị tài sản là hơn 15.989 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021). Trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi luôn chiếm tỷ lệ trên 95% kết quả thu hồi chung.

Mấy nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc thu hồi tài sản của tội phạm kinh tế, tham nhũng đã có chuyển biến tốt trước hết là nhờ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể là hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, ví dụ Chỉ thị số 50-CT/TW, trong đó Bộ Chính trị yêu cầu “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng, áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có”. Tiếp đó là các kế hoạch hành động của các cơ quan tư pháp để thực hiện các chỉ thị, nghị quyết này.

Đây không chỉ đơn thuần là quyết tâm chính trị mà còn là việc áp dụng triệt để chính sách khoan hồng được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó nhấn mạnh “Khoan hồng đối với người... ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” hoặc đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.

Có cơ sở chính trị vững vàng, có căn cứ pháp luật khoa học, đặc biệt là có quyết tâm hành động không chỉ trong các cán bộ Đảng và cơ quan tư pháp và nhất là sự ủng hộ mạnh mẽ cũng như yêu cầu kiên quyết của nhân dân trong việc thu hồi tài sản triệt để, khôi phục lẽ công bằng cho xã hội, hy vọng rằng chủ trương này sẽ nhất quán, liên tục và triệt để áp dụng không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà còn phải là một nguyên tắc hình sự xuyên suốt hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam, thậm chí còn phải áp dụng cho các tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên biên giới.

Điều này cũng phù hợp với thực tiễn pháp luật hình sự quốc tế. Ngay cả một số người vi phạm pháp luật, trong quá trình tham gia tố tụng, nhờ được tuyên truyền, phổ biến kịp thời do đó đã có ý thức ăn năn, hối cải, tự nguyện khắc phục bằng cách thông qua người nhà nộp lại một phần hoặc toàn bộ tài sản do tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật mà có.

Điều quan trọng, hơn chủ trương này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ là thông điệp kiên quyết, mạnh mẽ gửi đến các loại tội phạm “cổ cồn trắng” về tử huyệt của họ là tham lam tài sản sẽ không thể thoát được lưới trời, sẽ không còn hy vọng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

LS Trần Hữu Huỳnh
LS Trần Hữu Huỳnh

Nhiều bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng

Tuy bước đầu đã có những chuyển biến hơn hẳn so với trước đây làm nhân dân cả nước phấn khởi nhưng việc thu hồi tài sản vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, tỉ lệ thu hồi tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so với thực tế tài sản cần thu hồi; thứ hai các tội phạm rất tinh ranh, láu lỉnh nhất là trong việc tẩu tán tài sản trước khi bị khởi tố, điều tra; thứ ba là việc phối hợp xác minh tài sản giữa các cơ quan tư pháp bao gồm nội bộ các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa họ với cơ quan thi hành án đang chưa hiệu quả, chưa sử dụng công nghệ cao để giám sát chặt chẽ con đường đi của loại tài sản này; thứ tư là việc xét xử của tòa án để xác định cho được tài sản đó là đủ điều kiện để thi hành án và cuối cùng, là lực lượng cán bộ tư pháp quá mỏng , công việc thu hồi phức tạp và số lượng tài sản cần thu hồi quá nhiều nên làm không xuể .

Cần giải pháp đồng bộ, hệ thống

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế nói chung, thu hồi tài sản do phạm tội mà có của nhóm đối tượng này nói riêng, thiết nghĩ cần có một loạt giải pháp đồng bộ, hệ thống.

Trước đây, đã có đề xuất cần ban hành một đạo luật buộc các đảng viên, cán bộ công chức công khai tài sản cho tất cả mọi người được biết mà không cần thiết phải yêu cầu giải trình, kể cả các tài sản tăng lên bất thường. Điều này sẽ giúp cho hệ thống đăng ký tài sản được minh bạch, chính xác, các tài sản đều có chủ hợp thức (mà chưa cần bàn đến hợp pháp). Trong quá trình quản lý nền kinh tế nhiều biến động thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức có quyền nhờ tham nhũng mà giàu lên nhưng vẫn còn rất nhiều cán bộ đảng viên khác không cần “buôn chổi đót, chạy xe ôm”, không cần hoặc không thể tham nhũng để giàu lên mà nhờ biết khai thác các cơ hội kinh doanh, thông tin thị trường để làm giàu nhưng do không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế … nên họ không thể và cũng không muốn kê khai các tài sản này.

Đây là giải pháp “một lần” mà nếu thực hiện được thì từ nay về sau các tài sản đều là có chủ. Đất nước thu hút được những người giàu có tài, muốn vào Đảng, muốn cống hiến cho đất nước, muốn thăng tiến trong bầu cử một cách minh bạch mà không phải giấu diếm, che đậy tài sản của mình. Đó là cách làm “một bước lùi, hai bước tiến” (lùi về khía cạnh pháp lý do cả một thời gian dài quản lý chưa tốt, hai bước tiến là minh bạch tài sản cá nhân, thu hút được người tài (và giàu) vào hệ thống công quyền, đồng thời kiểm soát được tài sản của họ trước, trong và sau bầu cử, hạn chế hiệu quả nguy cơ tham nhũng từ họ.

Trong lúc chờ làm được việc này, thiết nghĩ cần tăng cường các biện pháp chống việc tẩu tán tài sản, một điểm yếu hiện nay. Để khắc phục điểm yếu này cần bổ sung các quy định ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ khi đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí từ giai đoạn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… như phong tỏa tài khoản, niêm phong các tài sản không chứng minh được tính hợp pháp kể cả khi họ chưa bị buộc tội bởi một bản án.

Trong các giai đoạn tiến hành tố tụng, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải có trách nhiệm truy tìm các tài sản do phạm tội mà có, minh định được đây là loại tài sản không có tranh chấp để người phạm tội tự nguyện hoặc Cơ quan thi hành án có điều kiện thu hồi, tránh đẩy gánh nặng cho cơ quan thi hành án. Song song với các giải pháp này, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến cho người phạm tội để họ tự giác, tự nguyện nộp lại tài sản do phạm tội mà có đồng thời tăng cường trách nhiệm, ý thức của các cán bộ tư pháp trong việc thu hồi tài sản.

Một điều cần lưu ý như là điểm mới trong chính sách hình sự hiện nay đối với các vụ án tham nhũng là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, người đứng đầu trong các tổ chức có tham nhũng mà miễn, giảm trách nhiệm hình sự cho các cán bộ cấp dưới phải thực hiện mệnh lệnh hành chính hoặc các cán bộ vi phạm do hòan cảnh khách quan, do các quy định không hợp lý mà họ không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là những người này không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong khi thi hành công vụ.

Chính sách này sẽ đưa lại sự công bằng, hợp lý cho các cán bộ công chức, vốn thu nhập đã rất khó khăn nếu phải bồi thường thiệt hại để được giảm án sẽ đẩy gia đình bố mẹ, vợ, chồng con cái họ vào hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các cơ quan tố tụng cần công bằng khách quan để không chạy theo thành tích thu hồi tài sản để một mặt lạm dụng việc này mà nhẹ bớt trách nhiệm tuân thủ pháp luật, mặt khác có thể xảy ra tình trạng dùng tiền để giảm án tù không hợp lý, khiến cho kẻ giàu được hưởng lợi, người nghèo chịu thiệt thòi, bất công.

Một mùa xuân mới đã về, phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản bây giờ không còn là một cánh én mà là cả một làn gió mới đầy hy vọng.

LS Trần Hữu Huỳnh

Theo VietnamFinance