Thu lớn từ cho thuê KCN, ‘anh cả’ cao su ước lãi 3.700 tỷ năm 2024
GVR hiện quản lý gần 400.000ha diện tích trồng cao su, sản lượng bình quân 500.000 tấn cao su/năm và chiếm 30% tổng sản lượng cao su Việt Nam. Bên cạnh đó, GVR còn là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp (KCN) lớn khi đang vận hành 16 KCN có tổng diện tích đất hơn 6.500ha.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) cho biết năm 2024, công ty ước đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 26.300 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.746 tỷ đồng; tăng lần lượt hơn 8% và 11% so với năm 2023. Nộp ngân sách 6.100 tỷ đồng năm qua.
Năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 24.999 tỷ đồng và 3.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, tập đoàn đã vượt khoảng 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính riêng quý IV, lợi nhuận sau thuế của GVR ước đạt khoảng 1.041 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang năm 2025, GVR lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 27.494 tỷ đồng, cao hơn 4,5% so với năm 2024; lợi nhuận trước thuế 4.658 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.929 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, doanh thu dự kiến là 4.484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế/sau thuế 1.746 tỷ đồng.
Với việc quản lý gần 400.000ha diện tích trồng cao su, sản lượng bình quân 500.000 tấn cao su/năm - chiếm 30% tổng sản lượng cao su Việt Nam, GVR không chỉ là anh cả ngành cao su nội địa mà còn là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp (KCN) lớn nhất khi đang vận hành 16 KCN có tổng diện tích đất hơn 6.500ha. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN của GVR đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260 ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác.
Tập đoàn đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất KCN với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, GVR dự kiến tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.
Giữa tháng 10/2024 vừa qua, ban lãnh đạo GVR cũng đã có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và kiến nghị Ủy ban xem xét chủ trương cho phép tập đoàn đầu tư mở rộng các khu công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tiềm năng rất lớn ở GVR có nhiều yếu tố thúc đẩy giá tăng của cổ phiếu này. Trong ngắn hạn (quý IV/2024 – quý I/2025), bảng giá đất mới tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh sẽ được công bố. SSI kỳ vọng bảng giá đất mới sẽ tăng 20% - 3 lần so với giá hiện tại. Điều này sẽ là yếu tố thúc đẩy cho giá cổ phiếu GVR tăng giá trong ngắn hạn.
Theo ước tính của SSI, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của GVR tăng 0,22% (mảng sản xuất cao su chiếm 60% tổng lợi nhuận trước thuế). Do đó, ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ đạt 29% so với cùng kỳ. Gần đây, KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp (GVR sở hữu toàn bộ) đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, điều này củng cố cho việc chuyển đổi 2.800ha đất cao su thành KCN vào năm 2025.
SSI cũng kỳ vọng bảng giá đất được sẽ được phê duyệt trong năm 2024-2025, sẽ hỗ trợ tăng thu nhập ghi nhận từ việc chuyển đổi đất cao su sang KCN. Ngoài ra, thời gian chuyển đổi đất sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt nhanh hơn do tỷ lệ lấp đầy KCN tại Bình Dương và Đồng Nai đã cao, vượt quá 92%.
Theo SSI, GVR có lợi thế khi sở hữu diện tích đất cao su lớn. Trong dài hạn, việc chuyển đổi hơn 23.000 ha đất trồng cao su sang đất KCN trong giai đoạn 2025-2030 sẽ giúp công ty ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ việc chuyển đổi đất.
Chốt phiên 20/12, cổ phiếu GVR dừng ở mốc 30.900 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hoá khoảng 123.600 tỷ đồng.