Thủ phủ công nghiệp miền Nam khởi công tuyến đường 'huyết mạch' kết nối các khu vực phía Đông
Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với tuyến ĐT.750, Hồ Chí Minh, giáp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
UBND huyện Dầu Tiếng đã khởi công công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT.749A đoạn qua trung tâm xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, tình Bình Dương.
Theo đó, toàn tuyến ĐT.749A có tổng chiều dài trên 45km, qua 3 huyện, thị của tỉnh Bình Dương gồm Bàu Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng trong đó, đoạn qua trung tâm xã Long Hòa là đường tỉnh quan trọng kết nối các khu vực phía Đông của huyện Dầu Tiếng, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với tuyến ĐT.750, Hồ Chí Minh, giáp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Bình Dương khởi công xây dựng tuyến đường 'huyết mạch' hơn 700 tỷ đồng
Công trình do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Dầu Tiếng làm đại diện chủ đầu tư, với tổng chiều dài hơn 4,7km, rộng 19m. Quy mô công trình gồm 4 làn xe, xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ các hạng mục thoát nước, chiếu sáng, trồng cây xanh. Tổng vốn đầu tư là hơn 740 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Để triển khai dự án sẽ phải thu hồi diện tích khoảng 83.000m2, tương ứng 756 trường hợp; với 5 loại đất gồm: Đất ở tại nông thôn, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác và đất trồng lúa; phương án giá đất được xây dựng với 13 đơn giá theo từng tuyến đường, từng loại đất.
Đơn giá đất thấp nhất hơn 2,8 triệu đồng/m2; cao nhất gần 6 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Theo kế hoạch, dự án sẽ thi công trong 420 ngày, khi hoàn thành sẽ giảm áp lực lưu lượng giao thông trên tuyến đường Vành Đai 4 TP.HCM và giúp mạng giao thông của khu vực phát triển đồng bộ, liên hoàn theo cả hướng Bắc Nam và Đông Tây (Bình Dương).
Qua đó, kết nối đô thị Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên tạo thành hành lang kinh tế thương mại.
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP. HCM, cách trung tâm TP. HCM 30km theo Quốc lộ 13, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10-15km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội.
Do đó, tỉnh được xem là “vùng trũng” đón sóng mạnh mẽ nhất từ xu hướng này. Các chuyên gia phân tích, Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp" của cả nước, sở hữu vị trí liền kề TP. HCM, thông qua nhiều tuyến đường huyết mạch nối thẳng đến trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 12.670,5ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790ha, tỷ lệ lấp đầy 67,4%. Một số khu công nghiệp hiện đại, được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, có tốc độ thu hút đầu tư nhanh và khả năng quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường tốt như VSIP I, VSIP II, Đồng An, Mỹ Phước…