Thừa Thiên Huế phê duyệt 6 dự án gần 60.000 tỷ tại khu kinh tế rộng nhất tỉnh sắp lên thành phố
UBND Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung phát triển, chuẩn bị từng bước cho khu kinh tế này lên thành phố.
Theo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính; đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế rộng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 27.108ha, gồm 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Cuối năm 2023, UBND Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tập trung phát triển khu kinh tế này, chuẩn bị từng bước cho Chân Mây lên thành phố.
Luỹ kế đến nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô như Khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 1.000ha, tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu) quy mô 420ha, vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) quy mô hơn 43ha, vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 71ha, vốn đầu tư 2.130 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có dự án khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An rộng gần 20ha với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120ha với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng… Tổng số vốn các dự án này lên đến 59.620 tỷ đồng.
Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 3) quy mô 1.525 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 4) quy mô 1.450 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 2 Chân Mây quy mô 800 tỷ đồng; dự án đầu tư bến số 4, 5 quy mô 1.600 tỷ đồng.
Ngày 6/4/2024, cũng đã diễn ra lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây với diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng hơn 26ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự kiến bến số 4 hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm; với các tàu container, sản lượng dự kiến 80.000TEUS mỗi năm.
Hiện nay, cảng Chân Mây là điểm đến của những tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới, mỗi lần mang theo hàng ngàn du khách. Việc phát triển một thành phố hiện đại với các dự án lớn ở đây sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế có những bứt phá mới.