Thương chiến căng thẳng, chính sách lãi suất sẽ thế nào?
Mỹ dừng 90 ngày và giảm thuế xuống 10%. Dẫu vậy, chính sách thuế của Mỹ vẫn bất định. Nếu được thực thi sẽ tác động lớn tới kinh tế VN và chính sách tiền tệ.
Xu hướng nới lỏng
Bên cạnh việc thể hiện lập trường đáp trả cứng rắn với biện pháp trả đũa thuế quan từ Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng hỗ trợ chính sách để hạn chế tác động tiêu cực. Theo đó, ngày 08/04/2025, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã nâng tỷ giá tham chiếu lên 7,2 CNY/USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá để bù đắp thiệt hại trong xuất khẩu. Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ/tài khoá khác gồm hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cường hỗ trợ sự ổn định của thị trường tài chính và bất động sản và tăng cường phát hành trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ cho tiêu dùng và đầu tư nội địa đều được tính toán đến.
Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất, Lạm phát cơ bản tại EU dự kiến tiếp tục giảm, củng cố khả năng nới lỏng bổ sung. Tuy nhiên, áp lực từ chính sách tài khóa mở rộng có thể hạn chế dư địa giảm lãi suất điều hành về dưới ngưỡng 2%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vốn giữ nguyên chính sách trong tháng 3 và kỳ vọng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo được dẫn dắt bởi xu hướng tăng cao của lạm phát cùng với tăng trưởng tiền lương duy trì đã dẫn dắt kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 5/2025. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, cú sốc thương mại có thể khiến BoJ trì hoãn quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5 sắp tới.
Trong bối cảnh bị đặt giữa lựa chọn kiểm soát lạm phát tạm thời do hiệu ứng thuế nhập khẩu hay ngăn chặn nguy cơ suy thoái, Fed có thể sẽ dần dịch chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ. Thị trường hiện kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện 5 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Còn tại Việt Nam, tác động của chính sách thuế quan “có qua có lại”, sự không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại và triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động đầu tư. Kết quả là, việc thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước và FDI có thể giảm đáng kể.
Trung tâm Phân tích, Chứng khoán Rồng Việt điều chỉnh dự báo tăng trưởng đầu tư tư nhân và FDI xuống còn 5,0%, từ mức dự báo trước đó là 8,5% và 10,0%. Đáng chú ý, tiêu dùng tư nhân yếu hơn kỳ vọng vào đầu năm do sự không chắc chắn về triển vọng thuế quan, mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế Việt Nam đối với xuất khẩu sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin và thu nhập của hộ gia đình. Dự báo tăng trưởng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ giảm còn 8,0% so với kỳ vọng tăng trưởng 10,0% vào đầu năm.
“Thương chiến Mỹ - Trung có thể khiến năng lực sản xuất của Trung Quốc bị dư thừa khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị hạn chế, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang các nước khác bao gồm Việt Nam làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội địa”, các chuyên gia phân tích nhận định.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT nêu quan điểm, nợ xấu có thể gia tăng do các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về dòng tiền vì đơn hàng xuất khẩu giảm, làm suy yếu khả năng trả nợ. Việc làm và tiền lương trong ngành sản xuất cũng có thể bị ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực đến tín dụng tiêu dùng. Những vấn đề này cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt nếu căng thẳng thương mại kéo dài hoặc leo thang.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ có thể tác động đến các quyết định chính sách. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tài chính và ứng phó linh hoạt trước những biến động kinh tế có thể xảy ra”.
Lãi suất điều hành: Vẫn giữ nguyên?
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, chính sách tiền tệ hiện nay đã ở mức nới lỏng và tích cực hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất điều hành đang được duy trì ở mức 4,5% từ giữa năm 2023, trong khi lạm phát mục tiêu ở ngưỡng 4 - 4,5%, nghĩa là lãi suất thực cơ bản ở ngưỡng gần bằng không. Năm ngoái, lạm phát thấp hơn mục tiêu một chút, nhưng dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành cũng không nhiều, có thể tạo ra rủi ro khi lãi suất thực âm, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
“Ở góc độ điều hành của của chính sách tiền tệ, tôi nghĩ lãi suất tại thời điểm này sẽ không có nhiều biến động. Có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất từ nay đến cuối năm có thể tăng lên chứ không phải giảm xuống nhưng tôi cho rằng lãi suất hiện nay đang ở mức phù hợp. NHNN giữ nguyên lãi suất trong cả năm 2024 là hợp lý và cho đến hiện tại cũng chưa có dấu hiệu nào cần phải tăng lãi suất lên. Nhìn tổng thể, lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ vẫn giữ nguyên”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cũng biến động theo các yếu tố khác. Lãi suất thị trường ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thanh khoản của thị trường. Cơ quan quản lý đã điều chỉnh thanh khoản qua thị trường liên ngân hàng. Thời gian qua thị trường liên ngân hàng cũng cho thấy tương đối ổn định. Có thể nói, chính sách tiền tệ bây giờ đang cân bằng, ổn định ở mức phù hợp. Mở rộng chính sách tiền tệ hơn nữa thì khó nhưng thắt chặt hơn cũng chưa cần.
“Điều quan trọng hiện nay là phối hợp chính sách tiền tệ hiện tại với các biện pháp chính sách tài khoá mạnh mẽ mới để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên, Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 1 năm 2025 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) phân tích, với lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% trong quý 1 và phần lớn năm 2024, NHNN đã có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi thuế “Giải phóng” của Mỹ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.
Ngân hàng UOB cho rằng: “Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%. Tuy nhiên, xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế 46% từ Mỹ có thể gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế Việt Nam”.
Các chuyên gia của UOB nhận định, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, UOB nhận thấy khả năng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4,00%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng. “Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là NHNN giữ nguyên chính sách lãi suất”, các chuyên gia kinh tế của UOB nhận định
Ông Hùng nhấn mạnh: “Trong năm 2025, NHNN đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế cần được cấp vốn và tín dụng trên cả thị trường vốn và qua hệ thống ngân hàng. Nếu nhìn hệ thống ngân hàng nói riêng, tăng trưởng tín dụng gắn liền với cầu tín dụng của nền kinh tế thực sẽ phát triển lành mạnh hơn, trách tạo ra áp lực lạm phát hay gia tăng các khoản nợ xấu. Không gian chính sách sắp tới của Việt Nam nằm ở tài khóa và đây là thông điệp rất quan trọng của ADB”.