Đầu tháng 5/2025: Lãi suất giảm đồng loat, gửi tiết kiệm nơi nào cao nhất?
Khảo sát lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trong tháng 5 cho thấy Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank tiếp tục niêm yết biểu lãi suất tiết kiệm với mức cao nhất dao động từ 4,7% đến 4,9%/năm cho các kỳ hạn dài.
Tại ngân hàng Agribank, mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến cao nhất hiện được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng là 4,9%/năm. Mức lãi suất không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán hiện chỉ ở mức 0,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn 1–2 tháng được niêm yết ở mức 2,4%/năm, trong khi các khoản gửi kỳ hạn 3–5 tháng được áp dụng lãi suất 3%/năm. Từ kỳ hạn 6 đến 11 tháng, lãi suất tăng lên 3,7%/năm. Với các kỳ hạn 12 đến 18 tháng, người gửi tiền được hưởng lãi suất 4,8%/năm. Agribank cũng trả lãi 4,9%/năm cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 24 tháng trở lên.

Trong khi đó, ngân hàng BIDV hiện giữ mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cho khách hàng cá nhân dao động quanh mức 2%/năm – 4,9%/năm.
Cụ thể, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1–2 tháng được niêm yết lãi suất 2%/năm; kỳ hạn 3–5 tháng là 2,3%/năm; và từ 6–11 tháng là 3,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12–18 tháng đang được áp dụng lãi suất 4,7%/năm, trong khi các khoản tiền gửi từ 24 đến 36 tháng đạt mức lãi suất cao nhất là 4,9%/năm.
Ngân hàng Vietcombank cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến với mức dao động từ 1,6% đến 4,7%/năm, thấp hơn so với các ngân hàng quốc doanh còn lại.
Cụ thể, tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 1,6%/năm; 3 tháng là 1,9%/năm; và kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng là 2,9%/năm. Với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất đạt 4,6%/năm. Mức cao nhất 4,7%/năm hiện chỉ áp dụng cho các khoản gửi kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại ngân hàng VietinBank hiện đang dao động trong khoảng 1,6% – 4,8%/năm, tùy theo kỳ hạn gửi. Trong đó, các khoản tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng hiện được áp dụng lãi suất lần lượt là 0,1%/năm và 0,2%/năm.
Tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng, lãi suất đang được duy trì ở mức 1,6%/năm; kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 1,9%/năm. Đối với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, khách hàng nhận mức lãi suất 3%/năm. Từ 12 đến dưới 24 tháng, lãi suất tăng lên 4,7%/năm, trong khi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên được áp dụng mức lãi suất cao nhất 4,8%/năm.
Bình luận về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng việc cân bằng thanh khoản vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng. Ông Hùng cho rằng cho rằng việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động khó giảm thêm, việc cân bằng thanh khoản sẽ là thách thức lớn đối với các ngân hàng.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, hiện các ngân hàng thương mại không chịu nhiều áp lực tăng lãi suất huy động để cạnh tranh nguồn vốn, qua đó góp phần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên về dài hạn, sự bất định của chính sách thuế quan của Mỹ tạo ra sức ép lên công cuộc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia KBSV dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%).