Thương chiến Mỹ - Trung chuyển hướng sang tiền tệ?
Phản ứng đầu tiên trước tuyên bố áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đã hạ giá đồng nhân dân tệ cũng như ngưng nhập khẩu nông sản Hoa Kỳ.
Thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ, giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục
Trong hai ngày đầu tuần, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ thiết lập tỷ giá tham chiếu 1 USD ở mức 6,9 nhân dân tệ (NDT), khiến trị giá đồng bạc của nước này trên thị trường giảm tới 1,9%, xuống còn 7,1114 NDT ăn 1 USD. Đây là thời điểm đồng NDT xuống thấp nhất trong hơn một thập niên qua, hòng đối phó với mối đe dọa thuế quan, trong sự leo thang chiến tranh thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Đối sách sau hai năm “chịu đòn”?
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất, kể từ ngày 1/9, sẽ đánh thêm 10% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khác của Trung Quốc. Sau phút choáng váng, Bắc Kinh đã đáp trả.
Theo hãng tin Bloomberg, trong một tuyên bố vào tối 5/8 tại Bắc Kinh, Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết, họ đã sử dụng đồng NDT như một công cụ giải quyết các tranh chấp thương mại. Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng NDT sẽ vẫn là loại tiền mạnh, bất chấp những biến động gần đây và bất ổn từ bên ngoài. Ông Yi Gang nói, PBOC sẽ làm tất cả để bảo đảm nhu cầu hợp lý, chính đáng của doanh nghiệp và người dân về vấn đề ngoại hối.
Có vẻ Chủ tịch Tập Cận Bình và các thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có lập trường cứng rắn hơn về thương mại, sau nhiều tuần đối mặt với áp lực về thuế quan, đặc biệt là sau sự kiện công ty Huawei bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ.
Ngay khi PBOC tuyên bố bảo hộ đồng NDT để hy vọng về sự thay đổi chính sách thuế quan đối với hàng hóa của mình, chỉ số chứng khoán Morgan Stanley Capital International (MSCI) châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 2,1% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2018. Cổ phiếu châu Âu và chỉ số S&P500 cũng có dấu hiệu co lại, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 8 điểm, xuống còn 1,77% - mức thấp nhất kể từ năm 2016.
“Phá vỡ mức 1 USD ăn hơn 7 NDT là sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm sự leo thang chiến tranh thương mại, sự thích nghi của nền kinh tế Trung Quốc và sự sẵn sàng để PBOC chịu đựng biến động cao hơn đối với đồng NDT” - ông Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại công ty Macquarie Securities Ltd (Hồng Kông) - nhận xét. Tương tự, chuyên gia đầu tư tài chính Julian Evans của Pritchard (Singapore) cho rằng, PBOC “đã vũ khí hóa hiệu quả tỷ giá hối đoái” khi hạ giá đồng NDT trước đe dọa thuế quan mới. “Việc để tỷ giá đồng NDT tiến qua ngưỡng 7 - 1 so với đồng USD cho thấy họ đang có tất cả và không còn hy vọng cho một thỏa thuận thương mại”.
Phản ứng về động thái của PBOC, chính quyền Trump chính thức gán cho Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” và tuyên bố sẽ tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích và đầu tư đang “cảnh giác” về khoản tiền 1.100 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ dưới dạng trái phiếu kho bạc của Mỹ. Họ đang là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ. Liệu tiếp theo, Trung Quốc sẽ bán trái phiếu này như một cách trả đũa? Điều này rất khó đoán, bởi cũng như trước đây, chẳng ai nghĩ Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí tiền tệ, nhưng giờ họ đã dùng, theo Stephen Roach - giảng viên cao cấp Đại học Yale (Mỹ).
Hiện Trung Quốc đã cắt giảm các khoản nắm giữ trái phiếu kho bạc, thấp hơn khoảng 200 tỷ USD so với mức đỉnh 2013. Nhưng động thái hạ giá đồng NDT cho thấy, nước này có thể thu hẹp con số trên hơn nữa.
Vỏ quýt dày, móng tay nhọn
Cuộc chiến tiền tệ chưa biết sẽ ra sao. Các nhà đầu tư chứng khoán đưa ra khả năng, Mỹ sẽ đáp trả bằng cách cắt giảm lãi suất Cục Dự trữ liên bang và việc Trung Quốc ngừng mua nông sản có thể gây “ép phê” hơn đối với ông Trump, trước cuộc bầu cử năm 2020. Theo Tân Hoa Xã, đánh vào hoa màu nhập khẩu từ Hoa Kỳ là một vũ khí khác của Bắc Kinh. Trung Quốc không loại trừ khả năng đánh thuế bổ sung đối với nông sản nhập khẩu của Mỹ sau ngày 3/8 và các doanh nghiệp có liên quan đã ngừng giao dịch với đối tác.
Với một thị trường khổng lồ, Trung Quốc là điểm đến đầy hứa hẹn cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Hoa Kỳ. Do vậy, nước này hy vọng Mỹ sẽ thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận đạt được ở Osaka và cam kết thực hiện lời hứa tạo điều kiện cho hợp tác nông nghiệp song phương. Trước đó, đáp lại lời buộc tội của Trump, cho rằng Trung Quốc thiếu hành động cụ thể trong việc mua nông sản của Hoa Kỳ, một quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cho biết: “những cáo buộc là không có cơ sở”.
Theo ông Cong Liang - Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, họ đã tích cực thể hiện sự chân thành trong hợp tác và đạt được tiến bộ tốt trong việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, sau cuộc họp tại Osaka giữa hai nguyên thủ quốc gia. Từ khi kết thúc cuộc họp trên đến cuối tháng Bảy vừa qua, 2,27 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ đã được chuyển đến Trung Quốc và 2 triệu tấn đậu nành khác dự kiến sẽ được nhập vào tháng Tám. Trong số 14 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ được ký mua trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp của hai nước, chỉ có 300.000 tấn còn lại sẽ được giao vào tháng Chín.
Kể từ ngày 19/7, các công ty Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu mua đậu nành, lúa miến, lúa mì, bắp, bông, các sản phẩm sữa, cỏ khô, rượu ethyl, dầu đậu nành, rượu, bia, trái cây tươi và chế biến cùng các sản phẩm nông nghiệp khác. Đến ngày 2/8, một số thỏa thuận đã được ký kết, bao gồm 130.000 tấn đậu nành, 120.000 tấn lúa miến, 60.000 tấn lúa mì, 40.000 tấn thịt heo và các sản phẩm thịt heo.
“Trung Quốc và Hoa Kỳ rất tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp và mua bán nông sản phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn để giải tỏa những trở ngại và tạo điều kiện cho việc mua nông sản của họ thuận lợi" - ông Cong Liang nói.
Theo Quốc Ngọc/Phụ Nữ TP. HCM