Tiềm lực 'khủng' của liên danh xin làm tổng thầu các dự án đường sắt TP. HCM
Liên danh này mong muốn sẽ là đơn vị tổng thầu EPC, có trách nhiệm tham gia vào việc đầu tư và xây dựng các dự án đường sắt tại TP. HCM.
Liên danh DCH gồm 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Hòa Phát - Tập đoàn Đại Dũng - Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) vừa có văn bản gửi UBND TP. HCM đề xuất nghiên cứu và tham gia thi công các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn, đặc biệt là tuyến Metro số 2.

Theo liên danh DCH, đề xuất này bám sát tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu khẳng định vị thế TP. HCM là trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu.
Liên danh DCH cho rằng các thành viên trong liên danh có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực vật liệu, kết cấu thép, giải pháp kỹ thuật và thi công công trình, đặc biệt là các dự án ngầm và vai trò tổng thầu EPC.
Liên danh (DCH) mong muốn sẽ là đơn vị tổng thầu EPC, có trách nhiệm tham gia vào việc đầu tư và xây dựng các dự án đường sắt, bao gồm tuyến Metro số 2, Bến Thành-Tham Lương, dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Bình Dương – Suối Tiên...
Mục tiêu chính của liên danh là được làm tổng thầu EPC thi công dự án đường sắt tại TP. HCM sẽ khởi công trong năm 2025 (tuyến Metro số 2).
Tuyến Metro số 2 dự kiến đi qua sáu quận gồm quận 1, quận 3, quận 10, quận 12, quận Tân Bình và quận Tân Phú. Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng). Đến năm 2019, sau nhiều điều chỉnh, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 2 tỷ USD (khoảng 47.900 tỷ đồng).
Nguồn vốn ban đầu chủ yếu đến từ các khoản vay ODA của ba tổ chức tài chính quốc tế: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Tuy nhiên, do tiến độ kéo dài, các điều kiện cấp vốn từ các nhà tài trợ không còn phù hợp. Sau quá trình thương thảo, các bên thống nhất chấm dứt tài trợ đối với gói thầu CS2B và toàn bộ dự án.
Tiềm lực các thành viên liên danh DCH ra sao?
Trong liên danh DCH, Tập đoàn Hòa Phát thời gian gần đây không giấu diếm tham vọng tham gia vào lĩnh vực đường sắt. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9/2024, Hòa Phát được giao nhiệm vụ tham gia cung cấp sắt, thép vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi giữa tháng 4 vừa qua, tỷ phú Trần Đình Long nói với cổ đông rằng Hòa Phát sẽ không chỉ tham gia vào dự án tàu cao tốc Bắc - Nam mà muốn đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt. Công ty sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... chủ yếu là phần nền, không sản xuất toa tàu.

Kết thúc quý I/2025, doanh thu của Hòa Phát đạt hơn 37.900 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 16% kế hoạch lợi nhuận năm 2025.
Tính đến ngày 31/3/2025, quy mô tài sản của Hòa Phát đạt 228.862 tỷ đồng, tăng 1,95% so với thời điểm đầu năm.
Năm 2025, Hòa Phát lên kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 15.000 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm trước.
Năm ngoái, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đạt doanh thu 140.560 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trướcl lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch năm 2024.
Thành viên tiếp theo trong liên danh DCH là Tập đoàn Đại Dũng - doanh nghiệp từng gây tiếng vang khi tham gia cung ứng kết cấu thép thành công cho 2 sân vận động trong World Cup 2022 tại Qatar. Gói thầu thiết bị kết cấu thép này trị giá 80 triệu USD.
Đến nay, Đại Dũng Group nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực kết cấu thép và cơ khí chế tạo, đóng góp vào những công trình trọng điểm tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ như tòa nhà Nihonbashi (Tokyo), đường hầm xuyên biển Fehmarn Belt Fixed Link (Đan Mạch - Đức), Bảo tàng Misk (Ả Rập)...
Thời điểm tháng 12/2017, thành phần cổ đông của Đại Dũng Group gồm có Công ty TNHH Nam Phát Long (68,75%), ông Trịnh Mạnh Hùng (7,86%), Nguyễn Thị Hồng Liên (4,54%) và Trịnh Tiến Dũng (12,6%).
Theo giấy đăng ký kinh doanh mới nhất vào tháng 8/2024, Đại Dũng Group đã tăng vốn điều lệ từ 1.338,5 tỷ đồng lên 1.753 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2025, Đại Dũng Group cũng từng lên mục tiêu doanh thu tỷ USD, đồng thời có kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) vào năm 2026.
Thông tin tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 29/3 cho biết, bước sang năm tài khóa 2024-2025, Đại Dũng Group tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng 2 con số. Theo đó, doanh thu kế hoạch của năm tài khóa 2024-2025 là 9.000 tỷ đồng (tăng 30%).
Thành viên cuối cùng trong liên danh DCH là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1). Đây là nhà thầu nhiều công trình lớn tại Việt Nam, tiêu biểu gồm sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP).
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, CC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.160 tỷ đồng, tăng đến 81% so với năm trước. Trừ giá vốn, CC1 thu về mức lợi nhuận gộp 484 tỷ, tăng 47%.
Bước sang năm 2025, CC1 đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 12.889 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 371 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt gần 27% và hơn 27% so với mức thực hiện năm 2024.
Kết thúc quý I/2025, CC1 đạt doanh thu 1.488 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 9,2 tỷ đồng. Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 16.533 tỷ đồng.