Tán thành giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản nhất trí cơ chế đặc thù về việc giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Ngày 20/5, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Về quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, Bộ trưởng cho biết: UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giao hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời chỉ định luôn nhà đầu tư mà không cần thông qua quy trình đấu thầu như thông lệ.

Đối với các dự án nhà ở xã hội do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai để phục vụ nhu cầu của lực lượng vũ trang, việc giao hoặc chấp thuận nhà đầu tư cũng được thực hiện tương tự. Tuy nhiên, danh mục dự án và vị trí đất cụ thể phải được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản trước đó.
Trong dự thảo, quy trình "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao nhà đầu tư" được đề xuất thay thế cả hai thủ tục riêng biệt trước đây là phê duyệt chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và các luật có liên quan.
Trong báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết cơ quan này cơ bản đồng tình với đề xuất giao nhà đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư theo cơ chế đặc thù, không cần đấu thầu với các dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lưu ý rằng quy định tại khoản 1 Điều 5 trong dự thảo dễ khiến hiểu nhầm là áp dụng cho cả dự án đầu tư công lẫn không sử dụng vốn ngân sách. Trong khi đó, nội dung trong Tờ trình của Chính phủ chỉ đề cập đến các dự án không sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề xuất cần làm rõ và điều chỉnh lại nội dung để phù hợp với phạm vi áp dụng chính sách.
Đối với hai nhóm đối tượng là người có nhu cầu nhà ở xã hội và lực lượng vũ trang, ông Tùng cho rằng cần rà soát toàn diện để đảm bảo cách phân loại và đối tượng áp dụng chính xác, minh bạch, tránh chồng chéo khi thực hiện chính sách.
Ngoài ra, Ủy ban cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung các điều kiện cụ thể để được giao làm chủ đầu tư cũng như tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hạn chế phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.